Phó Thống đốc: Sẽ cho vay không cần tài sản bảo đảm tới 3 tỷ đồng
NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng hạn mức cho vay không tài sản đảm bảo đối với hộ cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8 (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) chiều 3/4, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng hạn mức cho vay không tài sản đảm bảo đối với hộ cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã lên 300 triệu đến 3 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc, toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Đến 25/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 16 triệu tỷ đồng, tăng 2,49% so với cuối năm 2024, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhất là mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng với các nước - trong đó Việt Nam bị áp thuế lên đến 46%, ông Phạm Quang Dũng cho rằng điều này sẽ tác động tới nền kinh tế, từ đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với hoạt động ngân hàng.
Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đòi hỏi toàn ngành ngân hàng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Theo báo cáo của NHNN Khu vực 8, đến cuối tháng 2/2025, dư nợ tín dụng của khu vực đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng so với cuối năm 2024.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Cảng quốc tế Lào Việt, nhấn mạnh việc đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về cảng biển, logistics để doanh nghiệp tiếp cận được các gói tín dụng lãi suất thấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diệu, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng Quốc Việt, kiến nghị ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, phát triển nền tảng ngân hàng số giúp doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng, bảo mật và hiệu quả hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng nhanh và hiệu quả, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đề nghị các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm cân đối nguồn vốn, đảm bảo tăng cường vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của khu vực.
Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tín dụng cho lĩnh vực lâm thuỷ sản.
Phó Thống đốc cho hay NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về pháp luật trong công tác tín dụng. Trong đó, sớm đề xuất sửa đổi, ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, NHNN sẽ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật các TCTD năm 2024 nhằm luật hoá 3 nội dung trước đây Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu đã có. Đó là TCTD được thu giữ tài sản đảm bảo, được kê biên tài sản đảm bảo, và được hoàn trả tài sản đảm bảo bị kê biên trong các vụ án.
Đối với các doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng để phát triển tín dụng không thể nào một mình ngân hàng có thể làm được.
“Muốn vỗ tay cần phải có hai bàn tay. Ngân hàng không thể phát triển nếu không có doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi mong các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch thông tin về tài chính, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động để ngân hàng sớm tháo gỡ”, ông lưu ý.
>>Ngân hàng 'bơm' gần 200.000 tỷ đồng, vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?