Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam

03-07-2023 16:00|TRƯỜNG ĐẶNG thực hiện

Là nền kinh tế có tính hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những tác động không nhỏ từ tiến trình phi đô la hóa toàn cầu ngày một nhanh và mạnh hơn.

PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Thảo, Giảng viên Đại học Nottingham Trent - Vương Quốc Anh, Chuyên gia tài chính – ngân hàng thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xung quanh vấn đề này.

d59d4cd21a7b824875c07dd05505129ba.jpg

- Thưa ông, xu hướng phi đô la hoá đang diễn ra như thế nào trên toàn cầu, và Việt Nam ở đâu trong xu thế đó?

Trong vòng 20 năm trở lại đây, dự trữ đồng USD trên toàn cầu đã giảm từ 73% (2001) xuống 55% (năm 2020) và xuống thấp tới mức 47% từ khi Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga năm 2022. Đặc biệt, quá trình tăng lãi suất nhanh và liên tục gần đây của FED cũng góp phần làm tăng chi phí huy động bằng đồng USD, gián tiếp làm giảm dự trữ loại tiền này.

Brazil, các nước mới nổi ở châu Á và Trung Đông đang kêu gọi việc mua bán dầu và các sản phẩm toàn cầu bằng ngoại tệ khác đồng USD. Một số nước ASEAN cũng triển khai những sáng kiến giao dịch điện tử sử dụng nội tệ để thanh toán nội khối. Điều đó cho thấy đây là một xu hướng mà Việt Nam không thể đứng ngoài.

Trong xu thế phi đô la hóa, báo cáo của IMF cuối năm 2021 cho thấy ngoài các đồng tiền truyền thống bao gồm USD, EUR, JPY và GBP, ngân hàng trung ương các nước đã đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng các đồng tiền “phi truyền thống”.
Trong số nhóm “phi truyền thống” này, đồng Nhân dân Tệ (NDT) của Trung Quốc chứng kiến mức tăng ấn tượng nhất (27%). Còn lại là đô la Canada (23%); đô la Úc (18%), won Hàn Quốc (10%). Ngoài ra, các nước cũng tăng cường dự trữ vàng nhằm chống lạm phát và bất ổn của đồng USD.

Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ số 1 thế giới, với giá trị khoảng 6.500 tỷ USD cuối năm 2022 theo số liệu của IMF. Do đó, vị thế ngoại tệ quan trọng nhất toàn cầu vẫn thuộc về USD trong những năm tới.

- Một trong những hệ quả của xu hướng phi đô la hóa là có thể làm giảm giá trị USD, vậy điều này sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam là nước phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên đồng USD có hiện diện rất lớn trong nền kinh tế nước ta. Do đó, phi đô la hóa sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.

Xu hướng phi đô la hóa có thể làm giảm giá trị USD, qua đó gia tăng nhu cầu dự trữ các ngoại tệ khác. Về mặt tích cực, việc đa dạng hoá các loại ngoại tệ sẽ giúp Việt Nam giảm rủi ro từ việc lệ thuộc quá nhiều vào một ngoại tệ. Ví dụ tỷ giá giữa VND và USD sẽ chịu ít rủi ro hơn khi USD bị ảnh hưởng bởi các biến động trên thị trường tài chính và nợ công của Mỹ.

anh-trang-11.jpg
Việc FED liên tục tăng lãi suất cũng góp phần làm tăng chi phí huy động bằng USD, gián tiếp làm giảm dự trữ USD; Ảnh: Chủ tịch FED Powell.

Ngoài ra, xu thế này đi kèm với gia tăng dữ trữ ngoại tệ khác sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thanh khoản, chống lạm phát, và chống mất giá của VND. Điều này sẽ hỗ trợ cho sự chủ động của NHNN trong vận hành các công cụ chính sách tiền tệ.

Từ trước tới nay, lãi suất điều hành thường được NHNN điều chỉnh sau khi FED thay đổi lãi suất. Do đó, việc giảm lệ thuộc vào đồng USD sẽ giúp NHNN độc lập hơn trong việc kiểm soát lãi suất. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực cũng có một số vấn đề.

Thứ nhất, việc giảm lệ thuộc vào đồng USD sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong tiếp cận các nguồn vốn và quỹ truyền thống bằng USD.

Thứ hai, khi xu thế phi đô la hóa diễn ra, chi phí giao dịch của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại quốc tế sẽ tăng lên. Ví dụ như trước đây có thể sử dụng USD để giao dịch với nhiều công ty tại nhiều thị trường, thì bây giờ sẽ mất thêm chi phí chuyển đổi sang các ngoại tệ khác.

- Vậy theo ông, Chính phủ Việt Nam cần những hành động hoặc chính sách gì để đối phó với những thách thức này?

Mặc dù việc giảm lệ thuộc đồng USD đang là một xu hướng, nhưng rất cần có một lộ trình thận trọng để tránh những bất ổn cho doanh nghiệp, hệ thống tài chính và nền kinh tế. Các chính sách mà chính phủ Việt Nam có thể xem xét bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường duy trì một hệ thống tiền tệ đa dạng. Như đã nói, việc này sẽ giúp làm giảm sự phụ thuộc vào hành động của một cơ quan tiền tệ duy nhất (ví dụ như FED), từ đó giảm nguy cơ bị tổn thương do tác động của chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ của quốc gia có đồng tiền mạnh được sử dụng làm tiền dự trữ ở các nước khác. Đồng thời, chính sách này cũng sẽ giúp làm tăng khả năng phản ứng độc lập của NHNN trước những cú sốc đến từ bên ngoài.

Thứ hai, chúng ta nên tiếp tục tăng cường và mở rộng hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt thúc đẩy hội nhập các thị trường tài chính, giao dịch thương mại và sử dụng các đồng tiền khu vực.

Thứ ba, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị rủi ro trong một môi trường tiền tệ đa cực thông qua các chương trình đào tạo và phát triển.

Cuối cùng, Việt Nam cần sớm nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và thúc đẩy sử dụng các công nghệ tài chính mới trong thanh toán giao dịch quốc tế, ví dụ như đồng tiền điện tử.

- Xin cảm ơn ông!

'Cha đẻ' BRICS bất ngờ cảnh báo về mâu thuẫn giữa 2 thành viên chủ chốt, tham vọng phi USD hóa khó thành hiện thực

Trung Quốc đón cơ hội khi nợ công tăng vọt tại Mỹ

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/phong-trao-phi-do-la-hoa-ky-iii-ung-pho-cua-viet-nam-246621.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH