Trung Quốc đạt bước tiến lớn về phi USD hóa: Thử nghiệm đồng tiền giao dịch chỉ trong vài giây, chi phí giảm một nửa
Các đối tác tham gia thử nghiệm bao gồm đặc khu Hồng Kông, Thái Lan và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số tổ chức khác tham gia với tư cách quan sát viên.
Trung Quốc đã khởi động thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), hợp tác với Ả Rập Xê Út và các đối tác khác, nhằm tìm kiếm những ứng dụng thay thế cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong bối cảnh thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn.
Các đối tác tham gia thử nghiệm bao gồm Hồng Kông, Thái Lan và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số tổ chức khác cũng tham gia với tư cách quan sát viên.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), CBDC sử dụng công nghệ blockchain để ghi lại các giao dịch, cho phép hoàn thành thanh toán xuyên biên giới trong vài giây và có thể giảm chi phí đến 50%.
Phó Thống đốc PBOC, ông Lư Lôi, cho biết PBOC đang tích cực thúc đẩy kết nối hạ tầng tài chính toàn cầu trong khuôn khổ đa phương. Ông cũng cho biết, thử nghiệm mới nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch quốc tế.
Hiện nay, các giao dịch thanh toán quốc tế  chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng đại lý dựa trên các lệnh được gửi qua nền tảng tin nhắn SWIFT. Quá trình này có thể mất vài ngày đến một tuần. Hơn nữa, đồng USD vẫn là đồng tiền chủ đạo trong các giao dịch xuyên biên giới. Việc áp dụng CBDC có thể rút ngắn đáng kể thời gian thanh toán, giảm chi phí giao dịch và thúc đẩy đa dạng hóa đồng tiền, từ đó giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đặc biệt là đối với các quốc gia như Trung Quốc.
Tháng 4 vừa qua, một nhóm gồm 7 NHTW hàng đầu thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu, đã công bố sẽ cùng nhau tiến hành các thử nghiệm về thanh toán bằng CBDC, với sự tham gia của nhiều đối tác tư nhân. Mục tiêu của dự án này là nhằm nghiên cứu và đánh giá tiềm năng của CBDC trong việc tạo ra một hệ thống thanh toán quốc tế mới, hiệu quả và an toàn hơn.
Ông Naoki Tsukioka từ Mizuho Research & Technologies nhận định: “Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và công nghệ mới cho các giao dịch tài chính thế hệ tiếp theo”.
Thử nghiệm mới diễn ra trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) đang đối mặt với một số thách thức trong quá trình triển khai tại thị trường nội địa. PBOC đã thành lập một nhóm nghiên cứu vào năm 2014 để phát triển e-CNY, nhằm mục tiêu sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc. Ý tưởng là các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp ví kỹ thuật số cho phép thanh toán tại nhà hàng và cửa hàng thông qua quét mã.
Chương trình thí điểm đầu tiên bắt đầu vào tháng 10/2020 tại Thâm Quyến. Sau đó, phạm vi thử nghiệm đã mở rộng ra 26 khu vực thuộc 17 tỉnh và thành phố.
Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) vào các hoạt động kinh tế, bao gồm thanh toán lương và thuế. Tổng giá trị các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đạt 7 nghìn tỷ NDT (992 tỷ USD) vào cuối tháng 6, theo PBOC.
Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của e-CNY, nhưng lộ trình cụ thể và chi tiết cho việc triển khai vẫn chưa được công bố.
Một trong những thách thức lớn đối với việc phổ cập e-CNY là người dùng Trung Quốc chưa nhận thấy rõ sự khác biệt và lợi ích vượt trội của nó so với các ứng dụng thanh toán phổ biến như WeChat Pay và Alipay. Theo Hiệp hội Thanh toán Nhật Bản, hiện hơn 80% giao dịch thanh toán tại Trung Quốc không sử dụng tiền mặt.
"Tôi đã sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong một thử nghiệm, nhưng nó về cơ bản giống như WeChat Pay và các nền tảng khác", một nhân viên nhà hàng ở Bắc Kinh chia sẻ.
Theo Nikkei Asia
Hàng loạt quốc gia gần Việt Nam muốn gia nhập BRICS, tại sao? 
Quốc gia 'anh em' với Việt Nam chính thức xin gia nhập BRICS