Doanh nghiệp

"Profile khủng" của ông lớn ngành bán dẫn sắp mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam

Yên Hoàng 23/09/2023 - 10:45

Ông lớn ngành bán dẫn này có vốn hóa trên thị trường trên 45 tỷ USD, là đối tác lâu năm của TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC.

Mới đây Tập đoàn công nghệ Marvell Technology (Mỹ) công bố kế hoạch mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam. Tháng 5 trước đó, Marvell cũng công bố việc thành lập trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP HCM. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam tại khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP HCM).

Sau gần 3 thập kỷ, Marvell Technology vươn lên trở thành ông lớn toàn cầu

Marvell Technology được thành lập vào năm 1995 bởi Tiến sĩ Sehat Sutardja, một doanh nhân người Mỹ gốc Indonesia, cùng vợ và anh trai. Ở thời kỳ đầu, công ty tập trung vào thiết kế các kênh đọc dựa trên nền CMOS cho các ổ đĩa. Khách hàng đầu tiên của họ là Seagate, một trong những nhà sản xuất ổ cứng lớn trên toàn cầu.

Mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là “Fabless”, nghĩa là thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công chip. Marvell không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ 3 đảm nhiệm như TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC.

Tháng 6/2000, Công ty chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thu về khoảng 90 triệu USD với mức giá cho mỗi cổ phần là 15 USD.

Hiện Marvell cung cấp rất nhiều sản phẩm liên quan đến bán dẫn, trong đó có mạng Ethernet sử dụng trên ô tô điện, bộ vi xử lý dữ liệu OCTEON và ARMADA, các thiết kế liên quan đến phương tiện lưu trữ dữ liệu là SSD và HDD… Công ty cũng cung cấp các sản phẩm tiêu chuẩn dành riêng cho khách hàng (CSSP), cho phép khách hàng tích hợp các tiện ích vào bộ vi xử lý của hãng.

Với 28 năm tuổi đời, Marvell hiện là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, lọt top 25 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty rơi vào khoảng 48,18 tỷ USD, theo Business Insider.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây

Năm tài chính 2023, Marvell đạt doanh thu 5,92 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2022, đồng thời giảm được thua lỗ từ 421 triệu về chỉ còn 164 triệu USD. Trong đó mảng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm Amazon Web Services (AWS) của Amazon - khách hàng hàng đầu của Marvell, ghi nhận doanh thu tăng 50%. Doanh thu từ cơ sở hạ tầng mạng 5G trên 600 triệu USD.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được Marvell Technology công bố, quý 2 năm tài chính 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,341 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng doanh thu trong quý 3 sẽ có được tăng trưởng, chủ yếu nhờ cơ sở hạ tầng đám mây và AI.

Kết quả kinh doanh của Marvell Technology giai đoạn năm tài chính 2023 - 2024 (triệu USD). (Nguồn: investing)

"Nhu cầu từ các ứng dụng AI tăng lên có thể thúc đẩy triển vọng tăng trưởng tổng doanh thu của chúng tôi trong cả năm tài chính 2024, thậm chí vượt trên kỳ vọng”, Giám đốc điều hành Matt Murphy nói.

Với kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với những năm trước, cổ phiếu của Marvell đã tăng từ 36 USD lên trên 50 USD mỗi cổ phiếu vào giữa tháng 9 năm nay. Tính tới 21/9, theo giờ Việt Nam, giá cổ phiếu củaMarvell Technology giao dịch ở mức 52,94 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường công ty đạt 45 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ Yahoo Finance, Marvell Technology đang có 7.418 nhân viên trên toàn cầu. Công ty có chi nhánh tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam và Singapore là hai quốc gia tại Đông Nam Á mà Marvell đã thiết lập chi nhánh/nhà máy hoạt động.

Hành trình phát triển trên đất Việt

Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động kể từ năm 2013. Theo Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam được thành lập từ ngày 2/10/2013 với người đại diện theo pháp luật là ông Lê Quang Đạm.

Sau 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt, công ty hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử.

Hiện có hai lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Với kế hoạch mở rộng hoạt động và thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam, Marvell Việt Nam đang tăng tốc tuyển dụng.

Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở TP.HCM, bao gồm Etown (quận Tân Bình) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, Tập đoàn Marvell có khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại các khu vực trên thế giới.

Với việc thiết lập trung tâm R&D mới này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 3 trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel).

Tại thời điểm Marvell Technology công bố kế hoạch thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP.HCM hồi tháng 5/2023, TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp Marvell, cho biết Trung tâm Thiết kế Vi mạch này sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất, đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.

"Một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật, và đây là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch Marvell tại Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam", TS Lợi Nguyễn nhấn mạnh.

Ninh Thuận sắp đón trung tâm sản xuất chip bán dẫn

Nóng: Viettel sẽ phóng được vệ tinh và có nhà máy sản xuất chip bán dẫn vào năm 2030

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/profile-khung-cua-ong-lon-nganh-ban-dan-sap-mo-trung-tam-thiet-ke-chip-tai-viet-nam-201852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    "Profile khủng" của ông lớn ngành bán dẫn sắp mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH