‘Quà cảm ơn’ tiền tỷ mà họ vẫn dám nhận
Tại sao họ không biết sợ quà cảm ơn tiền tỷ mà vẫn nhận, bất chấp tất cả để tham nhũng? Câu hỏi ấy ám ảnh trong đầu những ai còn chút quan tâm đến thế sự đất nước.
Những ngày cuối tháng 12, đại án "chuyến bay giải cứu " được đưa ra xét xử phúc thẩm. Nhiều bị cáo là các cựu quan chức như Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao,, Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, - kẻ thì van xin, khóc lóc, kẻ thì “lẩy Kiều”, kể lể thành tích, giấy khen, huy chương,… – diễn đủ mọi chiêu trò trước tòa để mong được giảm án.
Và những ngày đầu năm 2024 này, đại án Việt Á được đưa ra xét xử. Ông chủ Việt Á thừa nhận nhiều lần đưa hối lộ các quan chức hàng chục tỉ đồng trong đó có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã nhận hơn 2,2 triệu USD, cựu bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD. Trước tòa, dù vui vẻ cười nói "tinh thần và sức khỏe của tôi rất là phong độ" nhưng ông Anh cho biết chiếc vali đựng 200.000 USD cất ở gara ô tô trong nhà "nay không tìm thấy".
Là cán bộ cấp cao, được đào tạo bài bản, được tôi luyện trên chính trường, vậy mà khi nhận những túi tiền hàng chục tỷ đồng vị nào cũng cho rằng đó là quà cảm ơn, rằng việc nhận tiền tỷ của đối tác là không có mưu đồ hoặc không nhận thức được hành vi của mình (!).
Thật nực cười khi ông chủ Việt Á nói việc đưa tiền hối lộ chỉ là sự “cảm ơn, chia sẻ theo tinh thần Á Đông” vì thấy nhiều người có trách nhiệm, nhiệt tình. Còn cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khai, đã từng “nhắc nhở” thư ký Nguyễn Huỳnh “không được dính dáng làm ăn gì với Việt Á". Khi Huỳnh ca ngợi Việt Á thì ông Long còn mắng "ăn vàng ăn bạc gì của Việt Á mà ca ngợi như thế".
Suốt năm qua, tin tức về các vụ đại án tham nhũng, tiêu cực không ngày nào là không tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội khiến cho tâm trạng dư luận dường như đã bị “chai” trước những thông tin vốn làm cho mọi người bàn tán sôi nổi như hồi cách đây mấy năm khi công cuộc đốt lò tham nhũng vĩ đại vừa mới được nhen nhóm.
Dường như lò càng cháy, tham nhũng không những càng tinh vi mà còn táo tợn, vụ sau to hơn vụ trước về quy mô và chức vụ. Các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Trần Văn Nam, Phạm Xuân Thăng, Tô Anh Dũng, Chử Xuân Dũng, Trần Văn Tân, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thanh Bình, Trần Văn Hiệp khi phạm tội đều đương chức. Họ là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, được lựa chọn rất kỹ càng và bài bản. Vậy mà, họ vẫn “quyết” nhúng chàm dẫu biết rất rõ là lò thiêu tham nhũng đang bừng bừng cháy và người lãnh đạo cao nhất của Đảng luôn cảnh báo rằng “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Những tháng cuối năm vừa qua, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm về các tội danh "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", dư luận dù đã “chuẩn bị tinh thần” từ trước nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng trước những số liệu kinh hoàng liên quan đến vụ án.
Trong vòng mười năm, hơn một triệu tỷ đồng được SBC cho vay, giải ngân qua tay Trương Mỹ Lan. Hàng trăm ngàn tỉ đồng khác được bị can này rút và đưa ra khỏi nhà băng bằng xe riêng về trụ sở hoặc nhà riêng trong suốt ba bốn năm trời, dễ hơn cả việc người làm công đút thẻ ATM vào máy rút tiền lương hằng tháng.
Sở sĩ nhóm Trương Mỹ Lan lộng hành được như thế là nhờ sự tiếp tay của những cán bộ ngân hàng và thanh tra thoái hóa, biến chất. Ma lực của đồng tiền đã biến họ trở thành đồng lõa, đắc lực giúp sức, dung túng và bưng bít cho sai phạm của Vạn Thịnh Phát.
Tại sao vậy? Tại sao họ không biết sợ quà cảm ơn tiền tỷ mà vẫn nhận, bất chấp tất cả để tham nhũng? Câu hỏi ấy ám ảnh trong đầu những ai còn chút quan tâm đến thế sự đất nước.
Ba bốn chục năm trước, nhiều người cùng chung suy nghĩ và trông chờ ở thế hệ 6X, 7X, 8X – lớp người trẻ nắm vận mệnh, nắm cơ hội làm thay đổi thời cuộc nhất là trong lĩnh vực quản trị đất nước. Họ bước vào tuổi trưởng thành khi nhân loại vừa đặt chân sang thế kỷ 21. Họ được đào tạo bài bản, nhiều người còn được đi tu nghiệp ở nước ngoài, tiếp thu tinh hoa tri thức về mọi mặt của nhân loại. Họ là những hạt giống đầy hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu của đất nước trên con đường đi tới tương lai giàu đẹp.
Trong đại án “chuyến bay giải cứu”, có hai bị can là quan chức, tuổi đời còn tương đối trẻ. Đó là ông Chữ Xuân Dũng, sinh năm 1973, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội (từ tháng 12/2020) và ông Trần Văn Tân, sinh năm 1979, Phó Chủ tịch Quảng Nam (từ tháng 4/2018).
Cả hai ông đều có bằng tiến sĩ, lý luận chính trị cao cấp, đều đảm nhận chức vụ lãnh đạo ở tuổi ba mươi. Các ông bước vào thế kỷ 21 khi đang tuổi thanh xuân, được xem là thế hệ “vàng” đem lại kỳ vọng cho sự phát triển của đất nước. Vậy mà, ông Dũng, ông Tân cũng không thoát khỏi bả vật chất đầy cám dỗ giữa lúc đại dịch cô vít đang khiến đất nước cũng như người dân lao đao.
Những “hạt giống” ấy chỉ cho ra trái chín ép. Đất nước sẽ ra sao dưới bàn tay lãnh đạo của những người trẻ mà không có cái tâm vì đất nước, vì nhân dân?
Làm sao để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng? Đó là câu hỏi lớn mà người dân cả nước đang đặt ra đồng thời cũng là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Bị cáo Chu Ngọc Anh khai chuyện mất vali đựng USD nhận được từ Việt Á 
Lý do Giám đốc CDC Bình Dương không nhận tiền tỷ từ Việt Á