Doanh nghiệp

'Quái kiệt' AI Lê Viết Quốc: 'Nhiều câu hỏi chúng ta không giải được nhưng AI có thể'

Huy Hoàng 21/08/2024 - 05:29

Đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng.

Ngày 18/8 vừa qua, Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo tạo sinh (GenAI Summit) 2024 với chủ đề "Chân trời mới" đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Tại sự kiện, ông Lê Viết Quốc, nhà đồng sáng lập Google Brain, được mệnh danh là “quái kiệt AI” nhấn mạnh rằng không thể đánh giá thấp khả năng tự lập luận của AI trong tương lai khi chúng đã có khả năng giải toán. Ông chia sẻ: "Nếu nhìn sâu hơn vào bộ dữ liệu toán học, nhiều câu hỏi chúng ta không giải được nhưng AI có thể."

Tiến sĩ Lê Viết Quốc: 'Nhiều câu hỏi chúng ta không giải được nhưng AI có thể'
Tiến sĩ Lê Viết Quốc tại sự kiện GenAI Summit 2024

Trước đó, vào tháng 1 năm nay, nhóm ba tiến sĩ gốc Việt tại Google đã thành công trong việc phát triển mô hình AI có khả năng giải các bài toán hình học với kết quả tương đương thành tích trung bình của người đạt huy chương vàng Olympic.

Ông Lê Viết Quốc tiết lộ rằng sau khi nhận kết quả từ AI, ông cùng các cộng sự đã kiểm tra dữ liệu để xem liệu có bất kỳ hướng dẫn hay tài liệu nào mà AI học theo không, nhưng không tìm thấy. Điều này cho thấy AI đã bắt đầu có thể tự lập luận giống như con người. Ông đánh giá khả năng này của AI hiện chỉ đạt 3/10, chưa xuất sắc nhưng trong 10 năm tới sẽ tiến bộ đến mức không thể tưởng tượng được.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thông tin rằng Bộ đang trình Chính phủ xây dựng "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050" với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 50.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bà Ngọc dẫn dự báo của Google, đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD), trong đó AI sẽ đóng góp phần lớn. Nghiên cứu của Thundermark Capital cho thấy Việt Nam và Singapore là hai đại diện duy nhất của Đông Nam Á có mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, Việt Nam hiện là một điểm sáng, được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế số và những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ.

Năm qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt là từ Hoa Kỳ như NVIDIA, Google, META để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành chiến lược và tiềm năng như AI và bán dẫn.

>>Tập đoàn FPT khởi công dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo hơn 4.300 tỷ đồng

Bình Định tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng

Nhật Bản sẽ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực AI, bán dẫn cho Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tien-si-le-viet-quoc-nhieu-cau-hoi-chung-ta-khong-giai-duoc-nhung-ai-co-the-246016.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Quái kiệt' AI Lê Viết Quốc: 'Nhiều câu hỏi chúng ta không giải được nhưng AI có thể'
    POWERED BY ONECMS & INTECH