Quảng Nam: GRDP giảm 8,25%, mức giảm nhiều nhất kể từ khi tái lập tỉnh
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam ước giảm 8,25% so với năm 2022. Đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Ngày 6/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tổ chức kỳ họp lần thứ 18, nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 2024. Tham dự kỳ họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam  Phan Việt Cường cho biết, trong năm 2023, Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2023. Trong đó, GRDP  dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022. Đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi. Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đạt dự toán. Việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước. Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra. Vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận người lao động, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, tình hình phát triển kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25% là do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô. Ước tính cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 24% so với năm 2022.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỷ đồng, đạt 53% dự toán.
Trong các lĩnh vực kinh tế thì du lịch là điểm sáng của tỉnh. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, năm 2023, kinh tế của tỉnh Quảng Nam vẫn còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai chưa có sự chuyển biến mạnh. Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật còn nhiều nội dung chưa chặt chẽ, xảy ra sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra chỉ rõ, một số tổ chức, cán bộ bị xử lý kỷ luật dưới các hình thức khác nhau.
Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024, đưa tỉnh Quảng Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập thể Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đảm bảo công tác tổ chức, biên chế, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ được sắp xếp. Thực hiện tốt công tác dự báo, chuẩn bị tốt các điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính nhất là việc giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chú trọng giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, kéo dài về đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Quảng Nam chuẩn bị tốt các điều kiện, nguồn lực, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ-du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy thế mạnh của du lịch Hội An, Mỹ Sơn.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phát huy thế mạnh của từng vùng miền, địa phương, khu vực, tạo sức bật mới cho khu kinh tế Chu Lai và vùng đông của tỉnh, hoàn thành dứt điểm các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các trục ngang của tỉnh còn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian còn lại của năm 2023 và ngay từ đầu năm 2024. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao….
Đảm bảo công tác an sinh, xã hội, quan tâm, chăm lo đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số… nhất là trong dịp vui Xuân, đón Tết Nguyên đán năm 2024.
Công an cảnh báo tình trạng học sinh 'nuôi' búp bê KumanThong để cầu học giỏi 
Tin mới vụ người dân chạy xuyên tỉnh xin sửa tên bệnh cho trùng với Nghị quyết