Hàn Quốc vừa ghi nhận một thành tựu đáng kinh ngạc trong lĩnh vực năng lượng nhiệt hạch.
Live Science đưa tin, trong bước tiến mới nhất của công nghệ nhiệt hạch, Hàn Quốc  đã đạt được một thành tựu nổi bật, khi lò phản ứng nhiệt hạch tiên tiến Tokamak siêu dẫn (KSTAR) của họ phá vỡ kỷ lục thế giới trước đó được chính họ thiết lập.
Theo đó, các nhà khoa học công bố "mặt trời nhân tạo" của Hàn Quốc thành công duy trì mức nhiệt 100 triệu độ C trong 48 giây. Trong khi đó, nhiệt độ lõi Mặt Trời là 15 triệu độ C.
Thành tựu này được ghi nhận trong các cuộc thử nghiệm từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Kỷ lục trước đó của lò phản ứng  KSTAR là 31 giây vào năm 2021.
Lò phản ứng nhiệt hạch KSTAR. Ảnh: Live Science |
Bước đột phá này tuy chỉ là một bước tiến nhỏ nhưng đủ gây ấn tượng trên con đường dài hướng tới nguồn năng lượng sạch vô hạn mà không phát thải carbon.
Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng khai thác sức mạnh của lò phản ứng nhiệt hạch trong hơn 70 năm.
Thiết kế phổ biến nhất cho lò phản ứng nhiệt hạch - tokamak - hoạt động bằng cách làm nóng plasma (1 trong 4 trạng thái của vật chất, bao gồm các ion dương và các electron tự do mang điện tích âm) rồi nhốt nó bên trong buồng lò phản ứng với từ trường mạnh.
Để kéo dài thời gian đốt plasma của họ so với lần chạy trước, các nhà khoa học điều chỉnh lại thiết kế của lò phản ứng, bao gồm thay thế carbon bằng vonfram để cải thiện hiệu quả của "bộ chuyển hướng, giúp loại bỏ nhiệt và tạp chất tạo ra bởi phản ứng nhiệt hạch.
Đây là một bước tiến quan trọng trong công nghệ năng lượng sạch. Ảnh: CNN |
Yoon Siwoo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KSTAR Research cho biết mục tiêu tếp theo của họ là duy trì mức nhiệt ở 100 triệu độ C trong 300 giây vào năm 2026. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh công trình của KSTAR “sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch".
Lò phản ứng nhiệt hạch được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm nguồn năng lượng sạch.