Với nền kinh tế phát triển cùng lực lượng lao động đông đảo nhất thế giới, quốc gia này đang dần khẳng định bản thân là một đối thủ đáng gờm khiến các cường quốc khác phải dè chừng.
Cách đây không lâu, Ấn Độ  đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân  nhất thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người. Không chỉ vậy, theo nhận xét của The Economist, những người gốc Ấn di cư ra nước ngoài cũng đông hơn và thành công hơn so với nhóm người gốc Hoa.
Cộng đồng gốc Ấn hiện là nhóm lớn nhất trên thế giới, trở thành nguồn lực hùng mạnh góp phần củng cố nền kinh tế Ấn Độ.
Lực lượng đông đảo
Theo số liệu ước tính của Liên Hợp Quốc  (UN) từ năm 2020, trong số 281 triệu người di cư trên toàn cầu (những người sống bên ngoài đất nước nơi họ sinh ra), có gần 18 triệu là người gốc Ấn. Nhóm lớn thứ 2 là người gốc Mexico với số lượng 11,2 triệu người trong khi người di cư gốc Hoa chiếm 10,5 triệu.
Năm 2022, Ấn Độ ghi nhận nguồn kiều hối cao kỷ lục gần 108 tỷ USD (khoảng 3% GDP), đây là tỷ trọng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thêm vào đó, những người Ấn Độ ở nước ngoài có đủ kỹ năng, kiến thức cũng như mạng lưới các mối quan hệ để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và thương mại xuyên biên giới.
Ở nhiều nước giàu có như Mỹ và Anh, số người gốc Ấn còn nhiều hơn cả người gốc Hoa. Người di cư gốc Ấn xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, với 2,7 triệu người sống ở Mỹ, hơn 835.000 người ở Anh, 720.000 người ở Canada và 579.000 ở Australia.
Kể từ năm 2010, cộng đồng gốc Ấn đã trở thành nhóm lớn nhất trên thế giới. Ảnh: The Economist |
Người trẻ quốc gia này cũng đổ xô tới khu vực Trung Đông, nơi những công việc như xây dựng và dịch vụ lưu trú chỉ yêu cầu tay nghề thấp nhưng có thu nhập tương đối cao. Có 3,5 triệu người gốc Ấn ở UAE và 2,5 triệu ở Saudi Arabia.
Ấn Độ có đủ các yếu tố cần thiết để trở thành nước đi đầu về “xuất khẩu” nhân tài, sở hữu lực lượng thanh niên đông đảo và trình độ học vấn cao.
Do Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh, người dân nước này có kỹ năng tiếng Anh tốt. Được biết chỉ 22% người gốc Ấn ở Mỹ từ 5 tuổi trở lên cho biết họ bị hạn chế về tiếng Anh.
Trong khi đó, tỷ lệ trong nhóm người gốc Hoa lên tới 57%, theo số liệu của viện Chính sách Di cư (MPI).
Mọi chuyện diễn ra như thế nào?
Kể từ khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ đã chứng kiến nhiều làn sóng di cư đến các nước phát triển. Làn sóng đầu tiên diễn ra sau thế chiến thứ 2, chủ yếu gồm những lao động tay nghề thấp từ các bang Gujarat và Punjab.
Họ tới Anh, nơi đang thiếu nhân công trầm trọng, làm những công việc nặng nhọc trong các nhà máy dệt. Mỹ, phía Bắc châu Phi, Australia rồi Canada là những nơi tiếp theo có lượng lớn những người gốc Ấn di cư đến.
Khi cộng đồng di cư gốc Ấn đã lớn mạnh, họ cũng trở nên đa dạng hơn. Ảnh: The Economist |
Người gốc Ấn cũng là nhóm người nhập cư có thu nhập cao nhất ở Mỹ, với thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình đạt gần 150.000 USD mỗi năm. Con số này cao gấp đôi mức trung bình trên cả nước và vượt xa những người di cư Trung Quốc, với thu nhập hộ gia đình trung bình trên 95.000 USD.
Nắm giữ những vị trí quan trọng
Sức ảnh hưởng của cộng đồng người Ấn Độ di cư còn được thể hiện ở lĩnh vực kinh doanh. Hai chuyên gia Devesh Kapur và Aditi Mahesh từ Đại học Johns Hopkins đã tổng hợp số lượng người gốc Ấn Độ nắm giữ các công việc ở vị trí cấp cao, bao gồm cả những người sinh ra ở Ấn Độ và những người có gốc Ấn.
Họ xác định được 25 CEO tại các công ty thuộc chỉ số S&P 500 là người gốc Ấn Độ, tăng mạnh so với con số 11 người của một thập kỷ trước. Con số được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong ngành công nghệ, Vinod Khosla - nhà đồng sáng lập công ty sản xuất máy tính Sun Microsystems - kể lại rằng trong những năm 1980, rất khó để các doanh nhân Ấn Độ huy động được vốn ở Mỹ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi nói thứ tiếng Anh có ngữ điệu khá buồn cười, với những cái tên khó đọc và phải vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn cao”.
Thế nhưng giờ đây, những ông lớn công nghệ nổi tiếng như Adobe, Alphabet, IBM và Microsoft đều đang được dẫn dắt bởi những người gốc Ấn.
Trên chính trường, các nhà nghiên cứu của viện Johns Hopkins thống kê được 19 người gốc Ấn trong Hạ viện Anh, trong đó có Thủ tướng Rishi Sunak. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có mẹ là người gốc Ấn.
Và ông Ajay Banga, người sinh ra ở miền Tây Ấn Độ, đã được bầu làm Chủ tịch World Bank vào năm ngoái sau hơn 1 thập kỷ lãnh đạo MasterCard.
Hiện nay, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng khiến các doanh nghiệp có gốc gác Trung Quốc gặp nhiều trở ngại và bị phương Tây hoài nghi. Ngược lại, Ấn Độ không phải đối mặt với sự giám sát như vậy.
Những tuyên bố của Ấn Độ là một nền dân chủ đề cao các giá trị tự do đã giúp cộng đồng di cư từ nước này hòa nhập dễ dàng hơn ở phương Tây.
Vào thời điểm Trung Quốc và đồng minh muốn thay đổi trật tự thế giới mà các đối thủ đã lập nên, phương Tây rất muốn Ấn Độ đứng về phía mình và những người di cư ở nước ngoài sẽ là cầu nối cho 2 bên.