Quốc gia châu Âu ra mắt dịch vụ lưu trữ CO2 thương mại đầu tiên trên thế giới: Gồm 12 bồn chứa khổng lồ, công suất lên tới 5 triệu tấn, ‘chôn vùi’ CO2 vĩnh viễn dưới đáy biển sâu 2.600m
Cơ sở trên đảo Oygarden (Na Uy) dự kiến chôn lấp lô khí thải CO2 đầu tiên vào năm 2025.
Tuần trước, Na Uy đã khánh thành cơ sở hạ tầng “dẫn” khí thải CO2  xuống một hầm chứa khổng lồ dưới biển, một bước tiến quan trọng trước khi chính thức mở dịch vụ thương mại vận chuyển và lưu trữ CO2 đầu tiên.
Dự án vận chuyển và lưu trữ CO2 thương mại tên Northern Lights dự kiến sẽ thu giữ khí thải CO2 từ các ống khói nhà máy ở châu Âu  và bơm xuống các bể chứa địa chất dưới đáy biển. Mục đích là ngăn khí thải thoát ra khí quyển, qua đó giúp cải thiện biến đổi khí hậu.
Trên đảo Oygarden (Na Uy), cơ sở đầu tiên đã được ra mắt với 12 bồn chứa khổng lồ cùng nhiều đoạn đường ống chạy xung quanh. Một trong số các đường ống này sẽ dẫn xuống Biển Bắc.
Từ các bồn chứa, CO2 sẽ đi qua đường ống dài 110km trước khi được bơm xuống đáy biển - ở độ sâu khoảng 2.600m - để lưu trữ vĩnh viễn.
AFP cho hay, việc vận hành cơ sở trên đảo Oygarden được thực hiện bởi liên doanh giữa tập đoàn dầu mỏ Equinor (Na Uy), Shell (Anh - Hà Lan) và TotalEnergies (Pháp). Theo kế hoạch, lô CO2 đầu tiên sẽ được chôn lấp vào năm 2025.
Công suất ban đầu của cơ sở là 1,5 triệu tấn CO2/năm, sau đó có thể tăng lên 5 triệu tấn trong giai đoạn thứ 2 tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.
CEO dự án Tim Heijn cho biết: "Dự án Northern Lights là minh chứng cho thấy việc thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) là một giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật". Ông nói thêm rằng đây là một công cụ có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu.
Dù khá phức tạp và tốn kém, công nghệ CCS được Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá cao như một giải pháp hiệu quả để giảm lượng khí thải CO2 - đặc biệt trong các ngành công nghiệp khó khử carbon như xi măng và thép.
Theo IEA, tổng công suất thu giữ CO2 trên toàn cầu hiện chỉ đạt 50,5 triệu tấn, tương đương 0,1% tổng lượng khí thải hàng năm của thế giới.
Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu chỉ ở mức 1,5 độ C, IEA ước tính CCS sẽ phải ngăn ít nhất 1 tỷ tấn CO2 thải vào khí quyển mỗi năm cho đến năm 2030.
Công nghệ này hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu và chậm phát triển do chi phí quá cao. Vì vậy, nó phụ thuộc rất nhiều vào trợ cấp.
"Sự hỗ trợ của công chúng đã và sẽ rất quan trọng để giúp các dự án sáng tạo như vậy đạt được nhiều tiến triển hơn, nhất là khi chi phí CCS vẫn cao hơn chi phí khí thải CO2 ở châu Âu", Daniela Peta, Giám đốc quan hệ công chúng tại Viện CCS toàn cầu, bình luận.
Được biết Chính phủ Na Uy đã đảm nhận 80% tổng chi phí của dự án Northern Lights.
Theo AFP, CGTN
>> Đột phá: Trung Quốc phát triển công nghệ biến CO2 thành thuốc chống ung thư và bệnh tim