Quốc gia chủ chốt BRICS lập kỷ lục nhập khẩu dầu Nga năm 2024, ‘vua dầu’ OPEC gặp khó
Sự gia tăng nhập khẩu từ Nga được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập, các tập đoàn dầu khí quốc gia và chính sách tích trữ dầu của Chính phủ Trung Quốc.
Trong năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng dầu thô  kỷ lục từ Nga dù chỉ tăng 1%, trong khi lượng mua từ Ả Rập Xê Út giảm 9%, theo dữ liệu được công bố hôm thứ Hai.
Sự gia tăng nhập khẩu từ Nga được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập, các tập đoàn dầu khí quốc gia và chính sách tích trữ dầu của Chính phủ Trung Quốc .
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng dầu nhập khẩu từ Nga - bao gồm nguồn cung từ đường ống và vận chuyển đường biển - đạt 108,5 triệu tấn, tương đương 2,17 triệu thùng/ngày (bpd).
Nguồn cung dầu vận chuyển đường biển từ Nga được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ cả các nhà máy lọc dầu độc lập và các tập đoàn dầu khí quốc doanh, cũng như yêu cầu của Chính phủ về việc dự trữ dầu, theo Reuters.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út - nhà sản xuất lớn nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - xuất khẩu sang Trung Quốc 78,64 triệu tấn, tương đương khoảng 1,57 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 1,72 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Hầu hết năm 2024, nhập khẩu dầu từ Ả Rập Xê Út của Trung Quốc bị hạn chế do thị phần của dầu giá rẻ từ Nga và Iran tăng lên trong bối cảnh giá dầu của Saudi cao hơn. Thị phần của Ả Rập Xê Út chỉ phục hồi trong quý 4 nhờ các đợt giảm giá sâu từ OPEC và nguồn cung từ Iran giảm.
Tổng lượng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - giảm 1,9% vào năm ngoái, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên ngoài các thời kỳ suy giảm do đại dịch. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu nhiên liệu đạt đỉnh, làm giảm lượng mua.
Nhập khẩu từ Malaysia - một trung tâm trung chuyển chính cho dầu bị trừng phạt từ Iran và Venezuela - tăng 28% trong năm ngoái, đạt 70,38 triệu tấn, tương đương 1,41 triệu thùng/ngày, xếp thứ ba sau Ả Rập Xê Út.
Gần như toàn bộ lượng dầu Iran mà Trung Quốc mua được đưa vào các nhà máy lọc dầu độc lập, bao gồm cả các nhà máy tích hợp lớn và các nhà máy truyền thống nhỏ hơn, được gọi là "teapots", vì cả hai nhóm này đang chịu áp lực từ biên lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu đối với nhiên liệu và hóa chất.
Trung Quốc không nhập khẩu dầu từ Iran trong suốt năm 2024. Tuy nhiên, một lô hàng lẻ gần 290.000 tấn đã được nhập từ Venezuela vào tháng 12, nâng tổng lượng nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này lên 1,5 triệu tấn, tương đương 30.000 thùng/ngày.
Xuất khẩu từ Brazil tăng nhanh thứ hai sau Malaysia, với khối lượng tăng 17%, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 36% so với năm 2023.
Theo Reuters