Quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành nước thứ 4 ghép nối vệ tinh trên quỹ đạo
Quốc gia này ngày càng chứng minh tiềm năng mạnh mẽ trong các chương trình không gian.
Ngày 15/1, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã tạo nên một bước đột phá khi thành công trong việc ghép nối hai vệ tinh trên quỹ đạo, khẳng định vị thế hàng đầu của quốc gia này ở lĩnh vực công nghệ vũ trụ. ISRO thông báo rằng quá trình ghép nối vệ tinh đã hoàn tất, với việc điều khiển từ khoảng cách 15m đến 3m được thực hiện với độ chính xác cao, đảm bảo thành công trong việc chắp nối tàu vũ trụ .
Sau đó, quá trình thu hồi diễn ra suôn sẻ, tiếp nối bởi việc gia cố để ổn định hệ thống. Theo ISRO, sau khi ghép nối, hai vệ tinh đã được điều khiển thành công như một vật thể thống nhất. Trong những ngày tới, các bước kiểm tra kết nối năng lượng và tách ghép sẽ tiếp tục được thực hiện.
Với thành công này, Ấn Độ đã chính thức gia nhập "câu lạc bộ" những quốc gia có khả năng tự chủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ ghép nối vệ tinh phức tạp, bên cạnh các cường quốc vũ trụ như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 30/12/2024, tên lửa PSLV đã đưa cặp vệ tinh của sứ mệnh SpaDeX (Space Docking Experiment) lên quỹ đạo. SpaDeX không chỉ đơn thuần là một thí nghiệm kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi công nghệ ghép nối trong không gian đóng vai trò then chốt đối với nhiều mục tiêu khám phá vũ trụ trong tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Mục tiêu chính của sứ mệnh SpaDeX là phát triển công nghệ ghép nối và kết nối năng lượng giữa các tàu vũ trụ nhỏ. Thành công của sứ mệnh này mở ra nhiều khả năng ứng dụng trong tương lai, như việc xây dựng các trạm vũ trụ, triển khai các robot khám phá không gian và vận hành các module tàu vũ trụ một cách độc lập.
Các chuyên gia  của ISRO cho biết, công nghệ ghép nối mới được thử nghiệm thành công sẽ là nền tảng cho những sứ mệnh không gian phức tạp hơn trong tương lai, như việc thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng hay xây dựng trạm vũ trụ.
>> Tàu vũ trụ Starship của SpaceX phát nổ, hàng không Mỹ ‘náo loạn’ vì mảnh vỡ không gian