Vệ tinh tự lái đầu tiên trên thế giới chính thức được phóng lên quỹ đạo: Tự động thay đổi được lộ trình bay, trang bị radar có độ chính xác cao
Vệ tinh được thiết kế để tự động duy trì hoặc thay đổi quỹ đạo bay mà không cần sự can thiệp từ mặt đất.
Trung Quốc vừa phóng thành công vệ tinh  "tự lái" đầu tiên trên thế giới có khả năng duy trì và thay đổi quỹ đạo bay mà không cần sự can thiệp từ mặt đất. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chương trình thương mại không gian của đất nước tỉ dân.
Hai vệ tinh khảo sát mang tên Siwei Gaojing-2 03 và Gaojing-2 04 đã được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Tây Bắc Trung Quốc vào lúc 7:39 sáng ngày 25/11 bằng tên lửa  đẩy Long March-2C, trước khi vào quỹ đạo đã được thiết lập sẵn.
Những vệ tinh này được phát triển bởi Học viện Công nghệ Vũ trụ Thượng Hải (SAST), một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC). Chúng được thiết kế để tự động duy trì hoặc thay đổi quỹ đạo bay mà không cần sự can thiệp từ mặt đất. Điều này được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa công tác khảo sát và lập bản đồ trong lĩnh vực không gian.
“Lần đầu tiên trên thế giới, bộ đôi vệ tinh sau khi đi vào vận hành trên quỹ đạo có thể đạt được khả năng tự động điều chỉnh quỹ đạo bay ở mức sai số dưới 100m và bay phối hợp theo đội hình ở mức dưới 1m”, SAST cho biết. Khi đi vào hoạt động, các vệ tinh sẽ cung cấp dữ liệu cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, an toàn đô thị, phản ứng khẩn cấp và các vấn đề hàng hải.
Được trang bị radar với độ phân giải chất lượng cao, bộ đôi vệ tinh này sẽ hỗ trợ cập nhật công tác khảo sát và bản đồ cơ bản của Trung Quốc, giúp giám sát việc sản xuất nông nghiệp và môi trường, đồng thời cung cấp cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Các vệ tinh Gaojing-2 03 và 04 là một phần quan trọng trong dự án chòm sao viễn thám thương mại Siwei của Trung Quốc, được CASC phê duyệt vào tháng 4 năm 2022 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm tới.Dự án này gồm mạng lưới tối thiểu 28 vệ tinh, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau như quản lý đất đai quốc gia, lập bản đồ và giám sát hàng hải.
Khác với các vệ tinh viễn thám quang học hoạt động trong dải sóng nhìn thấy và cận hồng ngoại, Gaojing-2 03 và 04 là vệ tinh radar tổng hợp (SAR), sử dụng sóng vi ba để tạo ra hình ảnh bằng cách phát các xung năng lượng xuống Trái Đất và đo thời gian xung trở lại.
Các vệ tinh SAR ở quỹ đạo thấp có khả năng xuyên qua mây, sương mù và bóng tối để thu thập hình ảnh cả ngày lẫn đêm và được nhiều quốc gia sử dụng để giám sát động đất, lũ lụt, nạn phá rừng, sự cố tràn dầu,…
Vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng vệ tinh SAR quỹ đạo địa tĩnh đầu tiên trên thế giới, Ludi Tance 4-01, giúp quốc gia này có khả năng quan sát thường xuyên gần 1/3 bề mặt Trái Đất.