Quốc gia đông dân nhất vẫn kêu gọi người dân sinh thêm con vì sợ 'già trước khi giàu'
Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, BBC đưa tin.
Với dân số gần 1,45 tỷ người hiện tại, thay vì kêu gọi hạn chế sinh con, một số bang tại Ấn Độ lại đang khuyến khích người dân sinh thêm con.
Điển hình như hai bang miền Nam là Andhra Pradesh và Tamil Nadu, trong đó Andhra Pradesh đang cân nhắc đưa ra các ưu đãi do lo ngại về tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Bang này cũng đã bãi bỏ chính sách "chỉ hai con" trong các cuộc bầu cử cấp địa phương, và bang láng giềng Telangana có thể sớm áp dụng biện pháp tương tự.
Tỷ lệ sinh tại Ấn Độ đã giảm mạnh từ 5,7 con mỗi phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2 con hiện nay.
Tại 17 trong số 29 bang và vùng lãnh thổ, tỷ lệ sinh  đã giảm xuống dưới mức thay thế là 2 con mỗi phụ nữ. 5 bang miền Nam dẫn đầu xu hướng này, với Kerala đạt mốc này từ năm 1988, Tamil Nadu năm 1993, và các bang còn lại vào giữa những năm 2000.
Hiện tại, năm bang này có tỷ lệ sinh tổng dưới 1,6, thậm chí Tamil Nadu chỉ ở mức 1,4 - tương đương hoặc thấp hơn nhiều quốc gia châu Âu.
Nhưng những bang này lo ngại rằng sự thay đổi nhân khẩu học tại Ấn Độ, với tỷ lệ dân số khác nhau giữa các bang, sẽ ảnh hưởng đến đại diện bầu cử, phân bổ ghế quốc hội và doanh thu liên bang.
Theo giáo sư nhân khẩu học Srinivas Goli tại Viện Khoa học Quốc tế về Dân số, họ cảm thấy bị "trừng phạt" vì chính sách kiểm soát dân số hiệu quả, dù có nền kinh tế phát triển hơn và đóng góp lớn vào ngân sách liên bang.
Đặc biệt, cuộc phân định khu vực bầu cử đầu tiên của Ấn Độ dự kiến vào năm 2026, lần đầu tiên kể từ năm 1920, có thể sẽ giảm số ghế quốc hội cho các bang miền Nam phát triển kinh tế.
Các nhà nhân khẩu học KS James và Shubhra Kriti dự báo các bang đông dân ở phía Bắc như Uttar Pradesh và Bihar sẽ được ‘thêm ghế’, trong khi các bang miền Nam như Tamil Nadu, Kerala và Andhra Pradesh có thể ‘mất ghế’ đại diện chính trị.
Mặc dù Thủ tướng Narendra Modi đã gợi ý rằng các thay đổi về chia sẻ tài chính và phân bổ ghế quốc hội sẽ không diễn ra vội vàng, thách thức lớn hơn nằm ở tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Ấn Độ.
Trong khi các quốc gia như Pháp và Thụy Điển mất lần lượt 120 và 80 năm để tăng gấp đôi tỷ lệ dân số già từ 7% lên 14%, Ấn Độ dự kiến chỉ mất 28 năm để đạt được cột mốc này.
Điều này phản ánh tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, dù tiến bộ kinh tế xã hội còn khiêm tốn. Ví dụ, Andhra Pradesh có tỷ lệ sinh ngang bằng Thụy Điển (1,5) nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 28 lần.
Già hóa nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của UNFPA, hơn 40% người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) thuộc nhóm nghèo nhất. Như Goli nhận định, "Ấn Độ đang già đi trước khi trở nên giàu có."
Tỷ lệ sinh thấp cũng làm tăng tỷ lệ phụ thuộc vào người cao tuổi, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội chưa sẵn sàng đối phó với thách thức này. Di cư từ các bang đông dân sang các bang ít dân hơn có thể làm giảm khoảng cách về lực lượng lao động, nhưng cũng gây ra tâm lý chống nhập cư.
Goli nhấn mạnh: “Cần đầu tư mạnh vào chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, chăm sóc giảm nhẹ và cơ sở hạ tầng xã hội để hỗ trợ người cao tuổi.”
Gần đây, Mohan Bhagwat, lãnh đạo tổ chức RSS của đảng BJP cầm quyền, gây tranh cãi khi kêu gọi các cặp vợ chồng nên có ít nhất ba con.
Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cho rằng thay vì tập trung vào việc tăng tỷ lệ sinh, Ấn Độ  cần ưu tiên kéo dài tuổi lao động, nâng cao năng suất và xây dựng chính sách tận dụng hiệu quả lực lượng lao động hiện có, trước khi dân số bước qua ngưỡng già hóa không thể đảo ngược.
Theo Telegrafi