Xã hội

Quốc gia duy nhất thế giới sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ dù chỉ có hơn 8 triệu dân, nằm ‘sát vách’ khu vực Đông Nam Á

Thùy Dung 04/12/2024 - 14:40

Do điều kiện địa hình đặc biệt, người dân tại quốc gia này vẫn giữ được nhiều ngôn ngữ địa phương mà không bị mai một theo thời gian.

Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia sử dụng cùng lúc nhiều ngôn ngữ. Điển hình có thể kể đến như Canada khi Hiến pháp nước này công nhận cùng lúc tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Bên cạnh đó, đất nước này còn có thêm khoảng hơn 200 ngôn ngữ khác nhau được người dân sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.

Quốc gia duy nhất thế giới sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ dù chỉ có hơn 8 triệu dân, nằm ‘sát vách’ khu vực Đông Nam Á - ảnh 1
Đất nước Papua New Guinea trên bản đồ. Ảnh: Internet

Vậy nhưng, con số này vẫn chưa là gì so với Papua New Guinea - một quốc gia nằm ở Thái Bình Dương. Đất nước này có hơn 600 hòn đảo, từng được chia thành hai khu vực riêng biệt là Papua và New Guinea. Quốc gia này có đường biên giới trên bộ dài 820 km với Indonesia nhưng không thuộc Đông Nam Á mà là một phần của châu Đại Dương. Theo World Atlas, Papua New Guinea là một trong 14 quốc gia thuộc khu vực này.

Hiện nay, Papua New Guinea có khoảng 8,5 triệu dân và diện tích gần 463.000 km². Quốc gia này nổi bật với địa hình núi non hiểm trở, trong đó đỉnh Wilhelm cao 4.509 m là điểm cao nhất. Những khu rừng mưa nhiệt đới và đầm lầy lớn trải dài quanh các con sông chính như Sepik và Fly không chỉ làm phong phú hệ sinh thái mà còn biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho những tín đồ du lịch bụi.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, Papua New Guinea được coi là một trong những quốc gia có nền văn hóa đa dạng nhất thế giới. Nơi đây có đến 848 ngôn ngữ bản địa được sử dụng (một số tài liệu còn ghi nhận hơn 850 ngôn ngữ). Điều gì khiến một quốc gia có diện tích không quá lớn lại sở hữu kho tàng ngôn ngữ phong phú như vậy?

Quốc gia duy nhất thế giới sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ dù chỉ có hơn 8 triệu dân, nằm ‘sát vách’ khu vực Đông Nam Á - ảnh 2
Một góc nhỏ của đất nước Papua New Guinea. Ảnh: Internet

Nguyên nhân chính xuất phát từ địa hình độc đáo của Papua New Guinea. Với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ và những thung lũng sâu, giao thông và liên lạc giữa các cộng đồng trở nên vô cùng khó khăn. Qua nhiều thế kỷ, hàng trăm bộ tộc sống tách biệt đã phát triển ngôn ngữ riêng để giao tiếp, tạo nên sự đa dạng đáng kinh ngạc về ngôn ngữ và văn hóa. Địa hình hiểm trở của Papua New Guinea đã trở thành "thành trì" tự nhiên, bảo vệ các ngôn ngữ bản địa khỏi sự mai một.

Bên cạnh đó, sự đa dạng về mặt ngôn ngữ còn có thể đến từ yếu tố lịch sử. Từ cách đây hơn 60.000 năm, những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại vùng đất được gọi là New Guinea ngày nay, chủ yếu đến từ Đông Nam Á. Vào đầu thế kỷ 16, những người châu Âu đầu tiên đến Papua New Guinea là người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sau đó là người Anh.

Đến cuối thế kỷ 19, Papua New Guinea trở thành điểm giao thoa của những quyền lực thực dân, lần lượt chịu sự quản lý của Đức, Anh, Australia và Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ hai, một bước ngoặt lớn diễn ra khi Đạo luật Hành chính Tạm thời (1945-1946) ra đời, hợp nhất Papua và New Guinea thành một lãnh thổ chung với tên gọi Papua New Guinea, dưới sự ủy trị quốc tế. Tháng 9/1975, cột mốc lịch sử này khép lại khi Papua New Guinea tuyên bố độc lập, đánh dấu khởi đầu cho một hành trình mới của quốc gia.

Trải qua những biến động lịch sử, Papua New Guinea đã định hình một nền văn hóa rực rỡ và đa dạng. Những công trình kiến trúc, trang phục truyền thống, âm nhạc, ngôn ngữ và điệu nhảy nơi đây không chỉ là di sản mà còn là biểu tượng sống động của bản sắc độc đáo.

Quốc gia duy nhất thế giới sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ dù chỉ có hơn 8 triệu dân, nằm ‘sát vách’ khu vực Đông Nam Á - ảnh 3
Người dân Papua New Guinea sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh: Internet

Ngày nay, người Papua New Guinea có thể sử dụng từ ba đến năm ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời hiểu biết nhiều phương ngữ khác. Ba ngôn ngữ chính, tiếng Tok pisin, tiếng Anh và tiếng Hiri motu, vẫn đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong một quốc gia đa ngôn ngữ và đa văn hóa này.

>> Nước có diện tích bằng 1/10 hồ Tây Hà Nội, là quốc gia duy nhất được UNESCO công nhận toàn bộ lãnh thổ là Di sản Văn hóa thế giới

Quốc gia duy nhất trên thế giới không Thủ đô, không thành phố và không quân đội

Độc lạ quốc gia duy nhất trên thế giới có 13 tháng mỗi năm, tính giờ theo bình minh và hoàng hôn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/quoc-gia-duy-nhat-the-gioi-su-dung-den-gan-850-ngon-ngu-du-chi-co-hon-8-trieu-dan-nam-sat-vach-khu-vuc-dong-nam-a-131606.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc gia duy nhất thế giới sử dụng đến gần 850 ngôn ngữ dù chỉ có hơn 8 triệu dân, nằm ‘sát vách’ khu vực Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH