Quốc gia EU dự kiến công bố loại bỏ khí đốt Nga trong vài tuần tới
Theo đài RT, cam kết này được chính phủ Áo đưa ra nhằm bảo vệ nền kinh tế và các hộ gia đình khỏi rủi ro về giá và nguồn cung mới.
Liên minh cầm quyền Áo được cho là đã đồng ý loại bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào năm 2027, hãng truyền thông Kurier đưa tin, trích dẫn một bản dự thảo văn bản.
Cam kết này được chính phủ Áo đưa ra nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc "vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nga để bảo vệ nền kinh tế và các hộ gia đình khỏi rủi ro về giá và nguồn cung mới". Tờ Kurier cũng lưu ý rằng "ông lớn” năng lượng Gazprom của Nga cung cấp từ 80 đến 90% khí đốt của Áo.
Dự thảo văn bản trên nêu rõ: “Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cam kết thực hiện mục tiêu loại bỏ dần nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga trên toàn châu Âu  vào năm 2027. Chính phủ Áo cũng cam kết thực hiện các mục tiêu này".
Theo đó, việc từ bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt Nga sẽ diễn ra như một phần của chiến lược tổng thể nhằm chuyển đổi hệ thống năng lượng, trong đó tính đến cả quá trình khử cacbon, an ninh nguồn cung và khả năng chi trả cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ đặc biệt chú ý đảm bảo rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp được hỗ trợ tốt nhất có thể trong quá trình thay đổi này.
Chiến lược an ninh năng lượng của Áo hiện đang được Văn phòng thủ tướng liên bang hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình bày trong những tuần tới.
Trong khi đó, vẫn chưa rõ quốc gia này sẽ đạt được mục tiêu từ bỏ khí đốt Nga vào năm 2027 như thế nào, vì Đạo luật Khí đốt Xanh gần đây đã bị Đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPO), đảng lớn thứ hai trong Quốc hội, bác bỏ và hợp đồng với Gazprom đã được chính phủ trước đó gia hạn đến năm 2040.
Từng là nhà cung cấp khí đốt chính của Liên minh châu Âu (EU), song tập đoàn Gazprom đã giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vào năm 2022 sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự cố đường ống Nord Stream.
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, Gazprom đã tăng gần 25% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào châu Âu trong những tháng gần đây.
EU đã nỗ lực thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ - quốc gia đã trở thành nguồn khí đốt chính cho khối này. Điều này đã dẫn đến chi phí tăng đáng kể cho người tiêu dùng châu Âu.
Trong khi đó, Nga đã chuyển hướng dòng chảy khí đốt sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, giúp doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này với nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới tăng gần 50% so với trước năm 2022.
>> EU chính thức kích hoạt đạo luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI