Cây cầu treo dài nhất thế giới dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm nay và khánh thành vào đầu những năm 2030.
Cây cầu treo dài nhất thế giới
Ý là quốc gia sẽ vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng cây cầu treo  dài nhất thế giới, một dự án lớn được các kỹ sư của đất nước này nghiên cứu thiết kế trong nhiều thập kỷ. Dự án này đặc biệt quan trọng với miền nam nước Ý, bởi nó giúp kết nối 5 triệu người ở đảo Sicily với đất liền, tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế cho các khu vực phía nam đang gặp khó khăn.
Dự án được gọi là cầu Eo biển Messina, có tổng mức đầu tư lên đến 12,7 tỷ USD (gần 314 nghìn tỷ đồng). Dự kiến, khi hoàn thành, cây cầu này sẽ trở thành cầu treo dài nhất thế giới với chiều dài 3.666m (gần gấp đôi cầu treo dài nhất Việt Nam là cầu Thuận Phước với chiều dài 1.850m). Trong khi đó, xét về diện tích, lãnh thổ nước Ý nhỏ hơn Việt Nam với hơn 302 nghìn km2, thua nước ta khoảng 30 nghìn km2.
Giáo sư Raimondo Betti từ Đại học Columbia cho biết: "Chưa từng có một quốc gia nào xây dựng một cây cầu lớn như vậy trước đây, đó là một thách thức đáng kinh ngạc".
Thực tế, việc xây dựng một cây cầu  có chiều dài hơn 3km trong khu vực có gió mạnh và động đất thường xuyên là một thách thức không dễ dàng và đương nhiên chi phí cũng không hề rẻ.
Vậy Ý sẽ thực hiện dự án xây dựng cầu treo dài nhất thế giới? 
Chuyên gia Ý tiết lộ cách xây cây cầu treo dài nhất thế giới
Trước tiên, chúng ta cần hiểu vì sao việc xây dựng cây cầu này lại khó khăn đến vậy. Các chuyên gia cho biết, con đường đi ngay dưới cây cầu này chính là điểm gặp gỡ giữa hai mảng kiến tạo lớn, là mối giao thoa giữa mảng kiến tạo Á - Âu và châu Phi. Do đó, khu vực này từng chứng kiến một trận động đất mạnh có cường độ 7,5 độ richter vào năm 1908, và một trận khác có cường độ 6,1 độ richter sau đó 50 năm.
Cấu trúc của cây cầu đã tạo ra một hành lang hẹp. Khi gió từ phía nam xâm nhập, chúng tăng tốc do bị hạn chế không gian, thậm chí có thể đạt đến tới 274km/h. Vì vậy, những cơn gió mạnh này có thể gây ra nguy hiểm đối với cấu trúc của cây cầu.
Giáo sư Raimondo Betti giải thích rằng, cấu trúc của cây cầu treo được giữ ổn định thông qua hệ thống dây cáp, giúp kết nối sàn cầu với các tháp và được hỗ trợ bằng các thanh chống thẳng đứng.
"Khi có ô tô đi qua cây cầu này, trọng lượng được truyền từ sàn cầu vào dây cáp chính thông qua hệ thống treo. Dây cáp chính phân phối trọng lượng đến các tháp và các điểm neo", ông Betti chia sẻ.
Các chuyên gia cho biết, cây cầu Eo biển Messina sẽ được xây dựng với hai tháp lớn. Mỗi tháp sẽ cao hơn tháp của tòa nhà Empire State khoảng 18m. Sàn cầu sẽ có chiều dài 3,5km và mất khoảng 10 phút để đi qua bằng ô tô, dài hơn 50% so với công trình giữ kỷ lục hiện tại là cầu Canakkale (dài 2,02 km) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế, độ dài lớn này là một thách thức lớn trong quá trình xây dựng cây cầu treo. Tuy nhiên, nó cũng là một giải pháp cho một trong những mối nguy hiểm lớn đối với môi trường. Theo các chuyên gia, sàn cầu dài hơn có thể bảo vệ cây cầu trước các hoạt động địa chấn.
Thêm vào đó, một trong những tiến bộ kỹ thuật mới nhất của cây cầu là phần chân được trang bị những thanh chống hình đồng hồ cát. Các chuyên gia cho biết rằng, những thanh này cho phép phần chân của cầu trở nên linh hoạt hơn so với các kiểu thanh chống cắt chéo truyền thống khi có động đất.
Với phần chân và sàn cầu có khả năng linh hoạt, theo lý thuyết, cây cầu treo này có thể chịu được trận động đất có cường độ lên đến 7,5 độ richter, một mức độ cao nhất so với bất kỳ cấu trúc nào trên thế giới.
"Địa chấn sẽ rất quan trọng nhưng chúng tôi biết cách thiết kế cho địa chấn. Theo tôi, mối bận tâm lớn với cây cầu treo này chính là gió", Giáo sư Raimondo Betti nhấn mạnh.
Để ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra khi cây cầu gặp gió mạnh, các kỹ sư đã phát triển một loại sàn mới. Theo đó, sàn của cầu Messina được thiết kế với 3 dầm hộp, trong đó có 2 dành cho xe cộ và một dành cho tàu hỏa.
Các dầm hộp này được kết nối bằng một lớp thanh ngang rất chặt chẽ. Đường bộ và đường sắt trên cầu Messina có khả năng chịu được tới 6.000 ô tô chạy mỗi giờ và 200 chuyến tàu mỗi ngày.
Với thiết kế sàn đặc biệt này, gió sẽ được phân tán như cánh quạt máy bay và sẽ không tạo ra nhiều dao động mạnh. Các kỹ sư cho biết, với loại sàn được thiết kế đặc biệt này, cây cầu Messina có thể chịu được thời tiết gió lớn, với tốc độ lên đến 300 km/h, tương đương với tốc độ gió tối đa của cơn bão cấp 5.
Kế hoạch dự kiến là khởi công xây dựng cây cầu Eo biển Messina vào giữa năm nay và hoàn thành vào đầu những năm 2030.
Nguồn: Wall Street Journal, CNN