Quốc hội chốt giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2025: Cú hích mới cho cổ phiếu bán lẻ?
Nghị quyết giảm thuế VAT hứa hẹn tạo dư địa lớn cho cổ phiếu tiêu dùng vào năm 2025.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm thuế VAT từ 1/1/2025-30/6/2025 là một tin vui lớn cho nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính sách giúp kích cầu mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường sản xuất và mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, cổ phiếu bán lẻ sẽ là nhóm hưởng lợi tích cực nhất.
Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm thuế VAT 2%
Chiều 30/11, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc, chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8.
Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc giảm thuế này áp dụng cho các mặt hàng, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% (giảm xuống còn 8%), kéo dài từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Hiện tại, Nghị định 72 của Chính phủ quy định giảm thuế VAT sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024, và với Nghị quyết mới, chính sách giảm 2% VAT được gia hạn thêm 6 tháng.
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử. Quy định này nhằm ngăn chặn việc miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị thấp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và chế tài cho cơ quan thuế quản lý việc thu thuế từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào Việt Nam.
Chính sách giảm VAT không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn hỗ trợ tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong nước. Mặc dù làm giảm thu ngân sách, chính sách này đã và đang tác động tích cực đến thị trường, giúp cải thiện nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 ước đạt 562.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, con số này đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm ngoái.
‘Quả ngọt’ dành cho các doanh nghiệp bán lẻ
Không chỉ mang lại lợi ích cho thị trường, chính sách tài khóa còn tạo động lực tăng trưởng rõ rệt cho doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian qua. Điển hình là các tên tuổi lớn trong mảng ICT/CE như Digiworld (DGW ), FPT Retail (FRT ) và Thế giới Di động (MWG ). Cả ba đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tích cực, hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh nhờ các chính sách kích cầu hiệu quả.
Cụ thể, quý III/2024, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, cao nhất 7 quý.
>> Quy mô thị trường bán lẻ dự báo đạt xấp xỉ 500 tỷ USD, đâu là tứ trụ cổ phiếu tiêu dùng năm 2025?
Cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 của Digiworld |
Động lực giúp Digiworld tăng trưởng nhờ việc sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 16.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, giúp chạm đến nhu cầu nhiều nhóm khách hàng. Bên cạnh, công ty đang hoàn thiện hệ sinh thái đa dạng: Từ thiết bị công nghệ, đồ gia dụng, đến dịch vụ bảo hành, tài chính và hàng thiết yếu. Digiworld trở thành đối tác của nhiều thương hiệu: Gigabyte, Philips, Kospet… và mở thêm kênh Horeca, bên cạnh kênh phân phối truyền thống (General trade) và hiện đại (Modern trade).
Theo Chứng khoán Tiên Phong (ORS), lợi nhuận sau thuế của Digiworld trong năm 2025 sẽ tăng tới 64%, đạt 730 tỷ đồng (dự phóng năm 2024 là 444 tỷ đồng). Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ: (1) Chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới, (2) Đầu tư công sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm 2025 nhằm mục đích thu hút dòng vốn FDI và khuyến khích tiêu dùng và (3) Quốc hội đã đồng ý và đề xuất nhiều chính sách thuận lợi cho ngành bán lẻ như đánh thuế VAT đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua kênh chuyển phát nhanh và tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới cuối tháng 6/2025. ORS cũng đặt giá mục tiêu cho cổ phiếu DGW là 50.100 đồng/cp, tăng 18% so với giá tham chiếu ngày 12/12.
Tại Thế giới Di động (MWG), quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 805 tỷ đồng, cao gấp 20,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính đến từ việc tái cấu trúc: MWG đã tinh gọn mô hình hoạt động và đẩy mạnh chuỗi Bách Hóa Xanh cùng Era Blue. ORS định giá cổ phiếu MWG ở mức 65.900 đồng/cp, tăng 9% so với giá tham chiếu ngày 12/12.
Trong khi đó, FPT Retail ghi nhận 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng bứt phá so với khoản lỗ 20 tỷ đồng tại quý III/2023 nhờ động lực từ việc tái cấu trúc chuỗi FPT Shop và mảng thuốc từ nhà thuốc Long Châu. Chứng khoán DSC (DSC) định giá mục tiêu cho FRT là 200.000/cp, tăng 10% so với giá tham chiếu ngày 12/12.
>> Quốc hội ‘chốt’ thuốc được bán online, cơ hội nào cho cổ phiếu bán lẻ?