Quốc hội sắp xem xét chính sách thuế giữ chân 'đại bàng' đến Việt Nam đầu tư
Một trong hai nghị quyết của Quốc hội được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 sẽ tạo ra cú hích quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) theo quy trình tại một kỳ họp với 2 dự thảo nghị quyết quan trọng.
Một là Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Hai là Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đây được đánh giá là hai nghị quyết rất quan trọng trong phát triển kinh tế, kích cầu và thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Trong đó, Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đóng vai trò quyết định trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và thu hút thêm các nhà đầu tư mới vào Việt Nam.
Các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.
Vì vậy, Nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Qua thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 335 dự án với số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp. Các dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó, thường là lĩnh vực công nghệ cao thuộc các doanh nghiệp như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng). Nếu các quốc gia khác cũng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỷ đồng. |
Thái Lan quyết soán ngôi Singapore trở thành trung tâm đầu tư số 1 Đông Nam Á vào năm tới 
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, xem xét chuyển hình thức ưu đãi đầu tư