Vĩ mô

Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8

LS 28/09/2024 - 15:01

Sáng 28/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8- Ảnh 1.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP/LS

Đã có phương án, lộ trình sắp xếp về tổ chức, bộ máy

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…

Vì vậy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời với thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành lập 02 quận, 01 thị xã, 01 huyện và 11 phường, 01 xã, 01 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Tại Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã có phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; bố trí, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; trụ sở, tài sản công dôi dư và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.

Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của UBTVQH. Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, do nội dung Đề án bao gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội (việc thành lập thành phố trực thuộc trung ương) và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH (việc thành lập quận, thị xã và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc) nên cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8- Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp - Ảnh: VGP/LS

Trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về chủ trương, sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8; tiêu chuẩn, điều kiện của các ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, cho ý kiến về quy trình để UBTVQH xem xét, kết luận về nội dung các Đề án của Thừa Thiên Huế mà Chính phủ trình.

Qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là rất cần thiết và có cơ sở chính trị vững chắc. Xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, phim Tài liệu, nội dung Đề án cần tập trung đậm nét vào những yêu cầu lớn để Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể: nhấn mạnh tới các chỉ tiêu về bảo đảm tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, tỷ lệ giảm nghèo...

Đồng thời, thể hiện quá trình phấn đấu, phát triển của thành phố liên quan đến phát triển về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng được bức tranh tổng thể về thành phố Huế là một thành phố sáng, xanh, sạch đẹp; là thành phố du lịch, trong đó nhấn mạnh thành phố “cố đô”. Đồng thời, rà soát, xây dựng Báo cáo trình trước Quốc hội cũng cần hết sức khái quát, cô đọng, trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cần chú trọng, quan tâm về chất lượng đô thị; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, không nâng lên mà phải phản ánh đúng bản chất. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phát động trong Nhân dân cùng xây dựng thành phố sáng về đêm; bảo đảm vệ sinh môi trường nơi công cộng để thực sự trở thành một thành phố du lịch, thân thiện và sạch đẹp.

Lưu ý, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, xây dựng bộ máy từ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các ngành các cấp vững mạnh; đội ngũ cán bộ cần quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm, góp phần phát triển thành phố Huế là thành phố xứng tầm ở khu vực miền Trung, tạo động lực phát triển mới.

Về sắp xếp các đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn đề trụ sở và cán bộ dôi dư. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân địa phương thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.

Cũng tại Phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về mặt nguyên tắc đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Doanh nghiệp FDI tại Thừa Thiên Huế thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất đến 303 triệu đồng

Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương chuẩn bị mở rộng một KCN lên 700ha, 50.000 người đón tin vui

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-xem-xet-thanh-lap-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-tai-ky-hop-thu-8-10224092814561841.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc hội xem xét thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8
    POWERED BY ONECMS & INTECH