Vĩ mô

Bất ngờ quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sắp xếp

Tâm An 28/03/2025 07:10

Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên sau sắp xếp đơn vị hành chính. Vậy, quy mô kinh tế các địa phương này thế nào?

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo và tờ trình về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo các tiêu chí định hướng sắp xếp, dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Vậy, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh này có quy mô kinh tế ra sao?

Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2024 của Hà Nội đạt khoảng 1.430.000 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước và đứng đầu trong top 11 tỉnh, thành phố dự kiến không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Đáng chú ý, với con số trên, quy mô GRDP của Hà Nội gấp hơn 56,7 lần Cao Bằng - tỉnh có GRDP thấp nhất trong nhóm 11 tỉnh, thành dự kiến không thực hiện sắp xếp.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh với GRDP đạt 347.500 tỷ đồng; Thanh Hóa là 318.752 tỷ đồng, Nghệ An là 216.943 tỷ đồng và Hà Tĩnh đạt 112.855 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành có mức GRDP dưới ngưỡng 100.000 tỷ đồng gồm: Huế 80.000 tỷ đồng; Sơn La 76.626 tỷ đồng; Lạng Sơn 49.736 tỷ đồng; Điện Biên 31.663 tỷ đồng; Lai Châu 31.024 tỷ đồng và thấp nhất là Cao Bằng đạt 25.204 tỷ đồng.

Nhưng xét về mức tăng trưởng GRDPnăm 2024 so với năm 2023, Thanh Hóa lại là tỉnh đứng đầu với mức tăng 12,16% và xếp thứ hai cả nước chỉ sau Bắc Giang.

Lai Châu đứng thứ hai với mức tăng 10,52% trong nhóm 11 tỉnh, thành phố; Điện Biên, Quảng Ninh và Huế ghi nhận mức tăng lần lượt 8,51%, 8,42% và 8,15%.

Nghệ An và Lạng Sơn có mức tăng GRDP chỉ ở mức hơn 6%, thấp nhất trong nhóm 11 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, về GRDP bình quân đầu người(theo thống kê năm 2023) thì Quảng Ninh đạt 227,1 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong nhóm 11 địa phương trên và chỉ xếp sau Bà Rịa - Vũng Tàu theo danh sách 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Không chỉ vậy, với con số đó, GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh cao gấp 2,2 lần GRDP bình quân đầu người 102,9 triệu đồng/người/năm của cả nước.

Hà Nội dù có quy mô GRDP cao nhất trong nhóm, nhưng GRDP bình quân đầu người chỉ đứng thứ hai, với 150,3 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, với 41,5 triệu đồng/người/năm, Cao Bằng có mức GRDP bình quân đầu người thấp nhất.

Hà Nội thu nhiều nhất, Sơn La thấp nhất

Xét về thu ngân sách Nhà nước, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, Hà Nội đạt gần 595.930 tỷ đồng, cao nhất trong 11 tỉnh, thành phố dự kiến không phải thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Còn Sơn La là tỉnh có mức thu ngân sách thấp nhất, chỉ dừng ở con số 4.344 tỷ đồng.

Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội còn cao hơn cả tổng thu ngân sách của 10 tỉnh, thành phố trong nhóm này cộng lại.

Nhưng ở mảng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2023 Quảng Ninh và Nghệ An chia nhau vị trí số 1, số 2, lần lượt đạt 3,19 tỷ USD và gần 1,32 tỷ USD. Xếp sau hai tỉnh này là Hà Nội với 643 triệu USD.

Lạng Sơn, Thanh Hóa, Huế có vốn FDI đăng ký dao động trong khoảng 100-275 triệu USD, Hà Tĩnh là 70 triệu USD.

Các địa phương khác như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, tức vốn FDI là 0.

>> Dự kiến sáp nhập 52 tỉnh, giữ nguyên 11 tỉnh thành

Nghệ An thành lập 5 tổ rà soát, nghiên cứu sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên xã mới theo tên huyện cũ sau sắp xếp đơn vị hành chính

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/11-tinh-thanh-pho-khong-thuoc-dien-sap-xep-co-quy-mo-kinh-te-ra-sao-2384965.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bất ngờ quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sắp xếp
    POWERED BY ONECMS & INTECH