Quốc hội yêu cầu Chính phủ ngăn chặn thị trường BĐS phát triển 'nóng' hoặc 'đóng băng'
Quốc hội ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần có biện pháp điều tiết, lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 161/2024/QH15 về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản  (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội.
Theo Nghị quyết, giai đoạn năm 2023-2024, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét và thông qua nhiều dự án luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến việc quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội như Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024.

Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành đã khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ cũng đang xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều luật khác có liên quan về quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, đầu tư, phòng cháy, chữa cháy, khoáng sản...
>> Lãnh đạo Bộ TN&MT đưa ra 6 giải pháp căn cơ nhằm hạn chế trục lợi từ đấu giá đất
Trong quá trình đó, nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cũng đã được nhận diện, nhiều kiến nghị cũng đã được nghiên cứu tiếp thu để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành và dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định có liên quan đến đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, kinh doanh bất động sản bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông, thuận lợi về trình tự, thủ tục; bãi bỏ quy định không cần thiết, trùng lặp, không hợp lý; quy định rõ ràng về quy trình thủ tục tổng thể triển khai dự án bất động sản.

Cần chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình và diễn biến của thị trường bất động sản, đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, và dự báo nhằm kịp thời đề ra các biện pháp điều tiết hiệu quả, hướng tới việc lành mạnh hóa thị trường.
Mọi hành động điều tiết phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời ngăn chặn tình trạng thị trường rơi vào trạng thái "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tránh những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế chung và hệ lụy xã hội.
Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp nhằm điều tiết, đa dạng hóa sản phẩm bất động sản, đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu. Việc tăng nguồn cung các sản phẩm bất động sản phải phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân, đáp ứng nhu cầu nhà ở và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu cần có giải pháp căn cơ, dài hạn nhằm đưa giá BĐS về đúng với giá trị nội tại, ngăn chặn tình trạng thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo "sốt" giá.
Nghị quyết 161/2024/QH15 của Quốc hội cũng nêu rõ cần tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại KĐT bằng nguồn vốn đầu tư công.
Song hành với đó là cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo, xây dựng các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng và chỉnh trang đô thị.
Cùng với đó cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như: Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu thành lập hoặc thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội… theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cần bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Theo đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu đánh giá, xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, thực tiễn phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của đất nước, vùng, địa phương trong từng giai đoạn; đồng thời quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.
Cần ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong từng thời kỳ. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch có liên quan, cần phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi và bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, trong đó có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
>> Sóc Sơn tiếp tục đưa 36 lô đất 'lên sàn' sau phiên trả giá kỷ lục 30 tỷ đồng/m2