Quy mô 'khủng' của hạm đội tàu chiến Việt Nam được xuất khẩu
Bên cạnh đáp ứng yêu cầu trong nước, các nhà máy đóng tàu tại Việt Nam còn thi công nhiều sản phẩm tàu quân sự hiện đại để xuất sang nước ngoài.
Trong những năm gần đây, nhờ sự “tự lực cánh sinh” trong nước và giúp đỡ từ bên ngoài, công nghiệp đóng tàu quân sự  Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Các công ty đóng tàu  đã nghiên cứu, chế tạo thành công hàng loạt thiết kế tàu tuần tra, tàu pháo và cả tàu tên lửa hiện đại trang bị cho Hải quân nhân dân Việt Nam , Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư... Không dừng lại ở đó, Việt Nam đang từng bước hướng tới việc xuất khẩu các sản phẩm tàu thuyền cho hải quân các nước.
Dưới đây là một số lớp tàu tiêu biểu trong hàng chục tàu quân sự các loại của Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ hơn 3.000 tấn
Theo thông tin từ trang web của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN), lực lượng này có hai tàu cứu hộ tàu ngầm  được đóng tại Nhà máy Damen Sông Cấm ở Việt Nam. Hai tàu cứu hộ tàu ngầm của Hải quân Australia là MV Besant và MV Stoker. Chúng cùng được bàn giao cho Hải quân Australia vào năm 2015. Tên của các tàu lần lượt được đặt theo tên hai chỉ huy tàu ngầm đầu tiên của Australia - Thiếu tá hải quân Thomas Besant và Henry Stoker.
Trong hai tàu, tàu MV Stoker có chiều dài lớn hơn (93,2m) và có lượng giãn nước đầy tải lớn hơn (3.690 tấn). Tàu MV Besant có chiều dài 83m và có lượng giãn nước đầy tải là 3.231 tấn.
Theo Global Security, tàu MV Besant được trang bị hệ thống sonar quét sườn, chuyên dùng để tìm kiếm và khảo sát vị trí của tàu ngầm cần hỗ trợ. MV Besant còn được trang bị tàu không người lái (ROV) để trinh sát đáy biển.
Sau khi xác định được vị trí mục tiêu, tàu MV Stoker sẽ thả thiết bị lặn cứu hộ LR5 để giúp vận chuyển thủy thủ đoàn gặp nạn trở lại mặt nước. Mỗi chiếc LR5 có thể mang theo 16 người và được trang bị khoang điều áp để tránh việc thủy thủ đoàn bị giảm áp.
Tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore
MV Sycamore là chiếc tàu huấn luyện đa năng (Multirole Aviation Training Vessel - MATV), được liên doanh đóng tàu Damen Sông Cấm khởi công đóng mới cho Hải quân Hoàng gia Australia vào ngày 21/5/2015.
Theo thông tin của Australian Defence và các nguồn tin từ Chính phủ Australia, lý do chính khiến hợp đồng rơi vào tay Damen Sông Cấm của Việt Nam đó là: "Giá bỏ thầu khả thi và có thể đáp ứng vấn đề tiến độ cũng như thời gian hoàn thành hợp đồng".
Thiết kế của chiếc MV Sycamore dựa trên nguyên mẫu tàu tuần tra xa bờ OPV 2400 của Tập đoàn Damen - Hà Lan. Tàu có chiều dài 94m; chiều rộng 14,4m; lượng giãn nước đầy tải 2.400 tấn; tốc độ hành trình 17 hải lý/h (tối đa 23 hải lý/h); thủy thủ đoàn và học viên 60 người.
Nhiệm vụ chính của tàu MV Sycamore là huấn luyện phi công thực hiện thao tác cất cánh, hạ cánh trên sàn đáp trực thăng , thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hỏa, nạp nhiên liệu cho máy bay trong thời tiết khắc nghiệt.
Nhà chứa máy bay của tàu được thiết kế đặc biệt để phục vụ tốt nhất cho các loại trực thăng của Hải quân Hoàng gia Australia như MH-60R Sea Hawk hay MRH-90. Trên tàu còn có hệ thống ổn định nhằm tăng cường khả năng hoạt động cho máy bay lên thẳng.
Tàu tuần tra lớp Spa 5009
Damen Sông Cấm nhận đóng 6 tàu tuần tra lớp Spa 5009 cho Hải quân Venezuela, hợp đồng ký tháng 2/2014 trị giá 126,1 triệu Euro (tương đương 3.300 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Hai chiếc đầu được khởi đóng vào tháng 4/2015, 2 chiếc kế vào tháng 8/2015 và 2 chiếc cuối là tiến hành trong năm 2016.
Lớp tàu tuần tra Spa 5009 là loại tàu dài 50,2m, ngang 9,4m, trang bị 4 động cơ Caterpillar C32 giúp tàu đạt tốc độ tối đa 23knot (42,5km/giờ) và có thể di chuyển liên tục 30 ngày trên biển.
Ngoài ra, Damen Sông Cấm còn nhận đóng cho Hải quân Venezuela 8 tàu vận tải đổ bộ cửa trước mũi, loại Stan Lander 5612 (dài 57m). Trước đó, Damen đóng và giao 4 chiếc loại này cho Venezuela vào mùa thu 2015.
Tàu tuần tra tối tân Spa 4207
Hồi cuối năm 2021, trang Navy Recognition và Tập đoàn Damen xác nhận, lực lượng bảo vệ bờ biển Jamaica đã đặt hàng đóng mới 4 tàu tuần tra Spa 4207 từ Tập đoàn Damen, công việc đóng tàu diễn ra tại Nhà máy Damen Sông Cấm của Việt Nam. Sau quá trình thử nghiệm, Spa 4207 đã được đưa lên tàu vận tải để vượt qua kênh đào Panama và tiến vào lãnh hải Jamaica để thực hiện nhiệm vụ.
Tàu có thiết kế phần mũi tương đối khác lạ so với những mẫu tàu tuần tra khác, nổi bật với khả năng đi biển ưu việt. Tàu có hình dáng vỏ đơn làm từ hợp kim nhôm với đáy hình chữ V sâu và cánh đè sóng, được trang bị hầm chân vịt đặc biệt để hệ thống đẩy làm việc hiệu quả hơn và giảm độ rung, tiếng ồn…
Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu tuần tra cao tốc Spa 4207 bao gồm chiều dài 42,81m, chiều rộng 7,11m, chiều cao mạn 3,77m và thủy thủ đoàn 18 người. Tàu được trang bị hệ động lực bao gồm 2 động cơ diesel với công suất máy 4.200bKW khi ở vòng tua máy 1.600rpm, tốc độ tối đa 25,5 hải lý/h.
Một điểm đặc biệt nữa của tàu tuần tra Spa 4207 đó là nó có khả năng tiếp nhận xuồng cao tốc ở cửa phía đuôi giống như cách thu hồi và triển khai tàu đệm khí của tàu đổ bộ cỡ lớn. Spa 4207 được tối ưu hóa cho công tác tuần tra vùng ven biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và an toàn hàng hải. Lớp tàu này đã được chế tạo với số lượng khá lớn để biên chế cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam.