Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng trong năm. Vào ngày này, mỗi nhà thường làm mâm cỗ gồm các món truyền thống dâng lên tổ tiên, ông bà, mong một năm mới sum vầy, hạnh phúc.
Rằm tháng Giêng âm lịch hay còn gọi tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng theo quan niệm của người Việt. Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch. Năm nay, Rằm tháng Giêng trùng ngày thứ Bảy, 24/02/2024 (dương lịch).
Nguồn gốc của ngày tết Nguyên tiêu
Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - tết Nguyên tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Có truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.
Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ (TS) Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), tết Nguyên tiêu ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Việt cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 15/1 âm lịch trùng ngày tết Nguyên tiêu của Trung Quốc.
Theo TS, hiện có nhiều tài liệu và câu chuyện viết về nguồn gốc tết Nguyên tiêu được lưu truyền. Nhưng theo ông, câu chuyện được kể và lưu truyền nhiều nhất về ngày này là chuyện con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới bị thợ săn bắn chết. Nghe tin, Ngọc Hoàng nổi giận, sai quân đến ngày Rằm tháng Giêng phóng hỏa, thiêu trụi mọi thứ ở trần gian.
May có một vị thần thiên triều thương dân, xuống hạ giới chỉ cách để dân thoát nạn. Vị quan này hướng dẫn các nhà treo đèn lồng màu đỏ trước cửa nhà. Ngọc Hoàng trên trời nhìn xuống thấy màu đỏ tưởng hạ giới bị phóng hỏa. Vì vậy tại Trung Quốc, vào ngày Rằm tháng Giêng, người ta hay treo đèn lồng đỏ ở cửa để tỏ lòng cảm ơn vị qua thiên triều.
Ngoài ra còn một tích khác kể rằng vua Hán Văn lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân.
Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.
Ý nghĩa ngày tết Nguyên tiêu
Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng trong phong tục tập quán của người theo đạo Phật. Vì vậy mới có câu nói "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng".
Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cầu năm mới phát tài phát lộc, khỏe mạnh. Vào dịp lễ ngày 14 và 15 âm lịch, người dân thường đi chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh... để cầu mong bình an, phúc lộc. Tùy theo từng vùng, từng điều kiện gia đình mà có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm của gia chủ gửi tới tổ tiên, ông bà.
Tổng hợp
Biển người đổ lên núi Bà Đen đón tết Nguyên Tiêu và dự đại lễ dâng đăng 
Ngày Rằm tháng Giêng 2024 nên kiêng gì để may mắn cả năm?