Rót hơn 20 tỷ USD, tạo ra nửa triệu việc làm, CEO Hyundai xin Mỹ ‘giơ cao đánh khẽ’
Hiện tại, Hàn Quốc có thể xuất khẩu ô tô sản xuất trong nước sang Mỹ mà không bị áp thuế theo thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. Tuy nhiên, với cảnh báo thuế quan của Tổng thống Donald Trump, “xứ sở kim chi” và hãng xe hơi lớn thứ 3 thế giới Hyundai có lý do để lo lắng.
Khi Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 2/4 , Hyundai Motor đang gấp rút tìm cách thuyết phục Chính phủ Mỹ nương tay với họ bằng cách nhấn mạnh các khoản đầu tư khổng lồ tại nước này cũng như số lượng việc làm đáng kể mà hãng ô tô lừng danh đến từ Hàn Quốc đã tạo ra.
“Hyundai Motor Group đã đầu tư 20,5 tỷ USD vào Mỹ, tạo ra và hỗ trợ 570.000 việc làm trên khắp cả nước trong nhiều ngành công nghiệp”, Giám đốc điều hành (CEO) Hyundai Motor, ông José Munõz, cho biết trên mạng xã hội vào ngày 15/2. Ông cũng nói thêm rằng Hyundai đã xây dựng một mạng lưới gồm “845 đại lý Hyundai, 788 đại lý KIA và 229 đại lý Genesis”.

“Thông qua mạng lưới sản xuất ngày càng mở rộng tại Mỹ, Hyundai đã sản xuất hơn 700.000 xe tại đây trong năm ngoái. Chúng tôi tự hào về cam kết với ngành sản xuất tại Mỹ, với các hoạt động thiết kế, kỹ thuật và lắp ráp được thực hiện tại Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế nước này”, CEO José Munõz nói.
>> Bộ Công Thương kiến nghị gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô 
Lời kêu gọi khẩn thiết này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông José Munõz công khai ca ngợi vai trò của Hyundai tại thị trường Mỹ trên mạng xã hội. Ông nhấn mạnh rằng hãng có “hơn 64 cơ sở tại Mỹ”và đã trở thành “một phần không thể thiếu của các cộng đồng Mỹ trong gần 4 thập kỷ, hỗ trợ người dân trên toàn bộ 50 bang”.
Hyundai là 1 trong 5 chaebol (tập đoàn gia đình) lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Seoul cũng đang vận hành cơ sở sản xuất ô tô lớn thứ 2 tại thành phố Ulsan, Hàn Quốc, có công suất sản xuất hàng năm là 1,6 triệu chiếc. Công ty này sử dụng khoảng 75.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Xe Hyundai được bán tại 193 quốc gia thông qua 5.000 đại lý và phòng trưng bày (showroom). Tính đến tháng 11 năm 2024, Hyundai là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 thế giới về sản lượng, sau các đối thủ cạnh tranh là Toyota và Volkswagen.
Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố rằng ông có kế hoạch công bố mức thuế đối với ô tô nước ngoài vào ngày 2/4 năm nay, với mức thuế sẽ được xác định dựa trên tất cả các rào cản phi thuế quan. Những rào cản này bao gồm bất kỳ biện pháp nào ngoài thuế hải quan có thể hạn chế thương mại quốc tế, chẳng hạn như chương trình trợ cấp xe điện (EV) của Mỹ.
Hiện tại, Hàn Quốc có thể xuất khẩu ô tô sản xuất trong nước sang Mỹ mà không bị áp thuế theo thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. Tuy nhiên, với cảnh báo của ông Trump về việc xem xét lại các rào cản phi thuế quan, “xứ sở kim chi” vẫn chưa thể yên tâm.
Hàn Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu ô tô lớn thứ 2 vào Mỹ, với tổng số 1,37 triệu xe vào năm 2024, chỉ đứng sau Mexico nhưng vượt qua Nhật Bản (1,31 triệu xe).
Năm ngoái, Hyundai đã xuất khẩu tổng cộng 2,18 triệu xe, trong đó 45,7% số xe này được vận chuyển đến Mỹ.
>> Ông Trump lần đầu kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ về quyền sa thải quan chức 
Tình hình còn nghiêm trọng hơn đối với GM Korea, một công ty phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, khi khoảng 88,5% sản lượng xuất khẩu của hãng ô tô Hàn Quốc này trong năm ngoái được vận chuyển đến thị trường Mỹ.
Theo ước tính của S&P Global, một cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu nổi tiếng, nếu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp mức thuế 20% đối với ô tô Hàn Quốc, lợi nhuận hoạt động của Hyundai và Kia sẽ giảm 19%.

Trong trường hợp mức thuế là 10%, Hyundai sẽ chịu tổn thất 1,9 nghìn tỷ won (hơn 1,3 tỷ USD), trong khi Kia có nguy cơ mất tới 2,4 nghìn tỷ won (gần 1,7 tỷ USD), theo báo cáo của KB Securities.
“Ô tô là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và vì ngành này dựa trên chuỗi giá trị sản xuấtnên một sự gián đoạn là điều không thể tránh khỏi. Quy mô ảnh hưởng ước tính lên đến 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, tương đương với tổn thất khoảng 6 nghìn tỷ won (gần 4,16 tỷ USD)”, nhà nghiên cứu Kim Gwi-yeon từ công ty chứng khoán Daishin Securities nhận định
Hyundai Motor gần đây đã mở rộng văn phòng tại Thủ đô Washington (Mỹ) và đang gấp rút tăng cường quan hệ với các nhân vật có nền tảng chính trị tại đây. Văn phòng này hiện do Robert Hood, cựu trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề lập pháp trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên giữ chức Phó Giám đốc điều hành.
Khi nhà máy của Hyundai tại bang Georgia chính thức đi vào hoạt động toàn diện, năng lực sản xuất của Hyundai và Kia tại Mỹ sẽ tăng lên 1,2 triệu xe, tương đương 70% trong tổng số 1,7 triệu xe mà hai hãng ô tô Hàn Quốc thuộc Tập đoàn Hyundai đã bán tại thị trường Mỹ vào năm 2024.
Theo Korea JoongAng Daily
>> Trung Quốc sẽ 'chơi đến cùng' với Mỹ, căng thẳng kinh tế tới đâu? 
Ông Trump đổi ý, Mỹ “lật kèo” hợp đồng 400 triệu USD với Tesla 
Ông Trump nói Tổng thống Ukraine sẽ tham gia đàm phán Mỹ - Nga