Nơi đây có hơn 10% đa dạng sinh học của toàn thế giới nhưng đang phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trong tương lai không xa.
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature ngày 14/2, nhóm các nhà khoa học quốc tế ước tính rằng khoảng 10 - 47% diện tích rừng Amazon sẽ phải chịu áp lực vào năm 2050, có thể dẫn đến sự thay đổi hệ sinh thái  trên diện rộng.
Điều này khiến hệ sinh thái quan trọng Amazon không chỉ ngừng hấp thụ mà thậm chí còn giải phóng lượng CO2 đang lưu trữ, qua đó đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu và khiến tác động của biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin từ các mô hình máy tính, bên cạnh các quan sát thực tế và các bằng chứng về những thay đổi từ cách đây hàng nghìn năm để mô tả sự phức tạp của hệ thống rừng và xác định các nguyên nhân chính.
Sau đó họ phân tích các yếu tố gây căng thẳng này - bao gồm hiện tượng nóng lên toàn cầu, lượng mưa hằng năm, độ dài của mùa khô và nạn phá rừng để xem chúng có thể tác động riêng lẻ hoặc cùng nhau đến mức độ nào dẫn tới sự phá vỡ hệ sinh thái quy mô lớn.
Họ cảnh báo đến năm 2050, Amazon có thể phải đối mặt với tình cảnh thiếu nước ở mức độ chưa từng thấy.
Trong khi một số khu vực có thể biến thành "thảo nguyên cát trắng", vốn đang ngày càng mở rộng ở Amazon sau cháy rừng, nhiều khu vực khác trong rừng có thể bị bao phủ với những cây cối dễ cháy, xen kẽ với các loại cỏ xâm lấn. Tuy các khu vực ẩm ướt hơn vẫn còn nhưng rừng sẽ có ít loài cây hơn và các loài thực vật phát triển nhanh như tre sẽ tăng lên.
"Những dòng sông rộng lớn đã khô cạn hoàn toàn khiến người dân địa phương và người bản địa bị cô lập trong nhiều tháng, lương thực và nước uống khan hiếm. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng người dân có thể gặp tình trạng thiếu nước ở rừng mưa Amazon" - ông Bernardo Flores tại Đại học Liên bang Santa Catarina, ở Florianopolis (Brazil), tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Đồng tác giả nghiên cứu, bà Adriane Esquivel-Muelbert tại Viện Nghiên cứu rừng Birmingham (của Anh) cũng lưu ý có bằng chứng cho thấy nhiệt độ tăng, hạn hán khắc nghiệt và hỏa hoạn có thể ảnh hưởng đến chức năng của rừng và thay đổi loài cây nào có thể phát triển trong khu rừng.
Rừng mưa Amazon, nơi có hơn 10% đa dạng sinh học của thế giới, giúp ổn định khí hậu toàn cầu bằng cách hấp thụ và lưu trữ lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính tương đương với khoảng hai thập niên phát thải.
Tuy nhiên căng thẳng từ nạn phá rừng, hạn hán, hỏa hoạn và nhiệt độ tăng cao đã làm xói mòn khả năng chống chịu của rừng Amazon. Các nhà khoa học cảnh báo điều này có thể gây ra cái gọi là "điểm bùng phát", đẩy hệ sinh thái quan trọng này vào quá trình thay đổi lớn không thể đảo ngược trong những thập niên tới.