Doanh nghiệp A-Z

Sabeco 'đốt' tiền giữ vị trí ngôi vương: Chi 800 tỷ đồng thâu tóm doanh nghiệp bia không cồn, ấp ủ ra mắt sản phẩm mới

Ánh Nguyệt 16/02/2025 08:26

Năm 2024, Sabeco (SAB) tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thị trường bia Việt Nam với mức tăng thị phần theo sản lượng, đặc biệt tại miền Bắc.

Chứng khoán Vietcap vừa có báo cáo cập nhật về cuộc gặp gỡ nhà đầu tư với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB).

Theo dữ liệu của Nielsen, Sabeco tiếp tục giữ vững vị thế là công ty bia số 1 tại Việt Nam trong năm 2024 với mức tăng về thị phần (tính theo sản lượng), đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, sản lượng bia tiêu thụ qua kênh mua mang về hiện đại cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp. Tuy nhiên, nhu cầu uống bia tại chỗ trên thị trường nội địa vẫn khá trầm lắng song cũng có dấu hiệu nhích lên vào các dịp lễ cuối năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận sẽ cải thiện so với năm trước. Trong kịch bản tích cực nhất, tổng sản lượng tiêu thụ bia có thể ghi nhận mức tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ.

SAB dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2025 sẽ cải thiện nhờ một số yếu tố quan trọng. Cụ thể, việc hợp nhất Sabibeco (UPCoM: SBB) vào tháng 1/2025 vừa qua, kỳ vọng giúp biên lợi nhuận gộp của SAB tăng thêm ít nhất 1-1,5 điểm phần trăm. Thương vụ trị giá hơn 800 tỷ đồng này cũng đưa Sabeco vượt qua Heineken về quy mô sản xuất, nâng tổng công suất thiết kế lên hơn 3 tỷ lít/năm.

CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) là doanh nghiệp sản xuất bia, sở hữu thương hiệu Sagota - dòng bia không cồn đầu tiên tại Việt Nam. Bia Sagota 0.0% được sản xuất theo quy trình chưng cất đặc biệt để loại bỏ cồn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

Sabeco ‘đốt’ tiền giữ vị trí ngôi vương: Chi 800 tỷ đồng thâu tóm doanh nghiệp bia không cồn, ấp ủ ra mắt sản phẩm mới
Sabeco (SAB) đã hoàn tất thương vụ hợp nhất Sabibeco vào tháng 1/2025

Ngoài ra, chi phí nguyên liệu đầu vào ngoài nhôm dự kiến quay trở lại mức bình thường. Hiện tại, hãng bia Sài Gòn vẫn đang sử dụng nguồn đại mạch có giá cao, nhưng lượng tồn kho này sẽ được tiêu thụ hết trong vài tháng tới. Do đó, công ty kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu có chi phí thấp hơn, giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất trong cả năm.

Ngược lại, rủi ro giá nhôm leo thang vẫn là mối lo ngại đối với ban lãnh đạo. Theo dữ liệu từ Bloomberg, giá nhôm trung bình đã tăng 13% trong giai đoạn tháng 3-4/2024 và duy trì ở mức cao trước khi tiếp tục tăng thêm 4% vào tháng 2/2025 so với mức trung bình của giai đoạn tháng 4/2024 - tháng 1/2025. Để ứng phó, hãng bia này sẽ điều chỉnh chiến lược bằng cách rút ngắn thời gian phòng hộ nhôm (thay vì 6-12 tháng như trước đây) nhằm tăng tính linh hoạt. Đồng thời, công ty cũng tích cực đàm phán lại chi phí chuyển đổi nhôm với các nhà cung cấp.

Về mặt chi phí, SAB sẽ tiếp tục kiểm soát chi tiêu quảng cáo và khuyến mại (A&P) trên doanh thu bia với mục tiêu ít nhất là duy trì tỷ lệ này đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến sản phẩm mới, Sabeco hiện sở hữu danh mục sản phẩm mới nhờ có trung tâm nghiên cứu và phát triển nhưng tạm hoãn ra mắt cho đến khi thị trường có nhu cầu phù hợp.

>> Ủy ban An toàn giao thông phát động chiến dịch mới, tác động tới Heineken, Sabeco và Habeco

Đón cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng sẽ chịu trận?

Đánh bại rào cản nồng độ cồn, công ty ‘nhà’ Sabeco (SAB) báo lãi tăng gấp 3 lần trong quý IV/2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sabeco-dot-tien-giu-vi-tri-ngoi-vuong-chi-800-ty-dong-thau-tom-doanh-nghiep-bia-khong-con-ap-u-ra-mat-san-pham-moi-276488.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sabeco 'đốt' tiền giữ vị trí ngôi vương: Chi 800 tỷ đồng thâu tóm doanh nghiệp bia không cồn, ấp ủ ra mắt sản phẩm mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH