Câu chuyện đầu tư

Đón cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng sẽ chịu trận?

Ánh Nguyệt 14/02/2025 06:30

Hậu Covid-19, các doanh nghiệp bia như Sabeco, Habeco, Heineken… đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Dù vậy, các hãng này vẫn phải gồng mình ứng phó trước biến động của thị trường, đặc biệt từ Nghị định 168 và áp lực gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vượt bão thổi nồng độ cồn

Việc uống bia từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa giao tiếp tại Việt Nam, giúp kết nối và xây dựng mối quan hệ. Đặc biệt, với khí hậu nóng ẩm, bia là lựa chọn giải khát phổ biến đối với cả người dân trong nước lẫn khách du lịch.

Những năm gần đây, loạt quy định siết chặt nồng độ cồn, đặc biệt là Nghị định 100 và mới đây nhất là Nghị định 168, đã tạo ra không ít thách thức cho ngành bia. Trước bối cảnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có nồng độ cồn thấp. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã tung ra dòng bia không cồn như Heineken 0.0, Sagota 0.0 của Sabibeco hay Lạc Việt của Sabeco nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ sự thích ứng nhanh chóng cùng các chính sách tiết giảm chi phí, các hãng bia ghi nhận sự cải thiện về lợi nhuận trong năm 2024. Sabeco (SAB) báo lãi ròng hơn 4.330 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước, trong khi Habeco (BHN) cũng ghi nhận hơn 382 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

>> Nghị định 168 siết chặt nồng độ cồn, Heineken, Sabeco… tung chiến lược ứng phó

Cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng chịu trận?
Các hãng bia tung sản phẩm bia không cồn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Sabeco, Heineken, Habeco… xoay xở ra sao trước cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?

Bên cạnh các Nghị định 168 siết chặt nồng độ cồn, ngành bia tiếp tục đối mặt với đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Dự thảo mới đã được·trình Quốc hội vào tháng 10/2024 và có thể được thông qua vào tháng 5/2025.

Theo đề xuất, thuế TTĐB đối với bia sẽ có 2 phương án điều chỉnh. Cụ thể, phương án 1 sẽ tăng thuế từ năm 2026, mỗi năm tăng 5%, đến năm 2030 thuế suất đạt 90%. Phương án 2 sẽ tăng 15% vào năm 2026, sau đó mỗi năm tăng 5%, đến năm 2030 đạt 100%.

Với đề xuất trên, đây là cú tăng sốc lớn nhất chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tăng thuế TTĐB ngành rượu bia. Các doanh nghiệp vô cùng bất ngờ với đề xuất tăng thuế TTĐB lần này trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ

Cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng chịu trận?
Dự thảo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu (Ảnh: Chứng khoán Shinhan)

Nhìn lại quá khứ, Việt Nam đã trải qua 4 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia. Mức thuế suất áp dụng là 45% ở giai đoạn 2010 - 2012, sau đó tăng lên 50% từ năm 2013, 55% vào năm 2016, 60% vào năm 2017 và 65% từ năm 2018.

Dù chịu tác động từ việc tăng thuế, doanh thu của Sabeco vẫn duy trì ổn định, ngoại trừ năm 2014 không ghi nhận tăng trưởng. Trong giai đoạn 2016 - 2018, khi thuế suất liên tục điều chỉnh, doanh thu hãng bia Sài Gòn vẫn tăng từ 5 - 12%/năm. Biên lợi nhuận ròng dù sụt giảm trong các năm bị áp thuế cao hơn nhưng nhanh chóng phục hồi sau đó. Ngược lại, Habeco chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi cả doanh thu và biên lợi nhuận đều suy giảm, một phần do khó cạnh tranh ở phân khúc trung và cao cấp.

Cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng chịu trận?
Ảnh: Chứng khoán Shinhan

Theo nhận định của Chứng khoán Shinhan, việc tăng thuế TTĐB có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn nhằm giảm gánh nặng thuế, đồng thời làm giảm động lực phát triển sản phẩm cao cấp. Dù có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngắn hạn song ngành bia được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi nhờ các yếu tố sau:

- Yếu tố văn hóa: Tại Việt Nam, bia không chỉ là đồ uống mà còn là một phần không thể thiếu trong các bữa tiệc, sự kiện và giao tiếp xã hội.

- Thói quen tiêu dùng: Giá bia không phải yếu tố quyết định duy nhất, mà còn phụ thuộc vào nhân khẩu học, vùng miền và xu hướng tiêu dùng.

- Chiến lược giá của doanh nghiệp: Các hãng bia có thể chuyển phần thuế tăng lên giá bán, giúp duy trì biên lợi nhuận.

Nhìn chung, thách thức của ngành bia phía trước vẫn còn rất lớn, đặc biệt là tác động của Nghị định 168 và áp lực gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Để giữ vững vị thế, các hãng bia buộc phải thích ứng nhanh chóng, tìm hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động.

>> Nghị định 168 tăng mạnh mức phạt nồng độ cồn, Sabeco 'lách đường' nào để giải bài toán tiêu thụ bia?

Ủy ban An toàn giao thông phát động chiến dịch mới, tác động tới Heineken, Sabeco và Habeco

Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ và chuyện của ThaiBev sau hơn 7 năm vào Sabeco (SAB)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/don-cu-soc-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-lon-nhat-lich-su-nganh-bia-sabeco-heineken-habeco-tim-cach-ne-don-nguoi-tieu-dung-se-chiu-tran-276253.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đón cú sốc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lớn nhất lịch sử ngành bia: Sabeco, Heineken, Habeco… tìm cách né đòn, người tiêu dùng sẽ chịu trận?
    POWERED BY ONECMS & INTECH