Sài Gòn sắp có cảng trung chuyển quốc tế: Động lực phát triển kinh tế biển vùng Đông Nam Bộ
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Sài Gòn sẽ góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế và tăng cường sức cạnh tranh quốc gia.
Văn phòng Chính phủ vừa gửi công văn đến Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, và Chủ tịch UBND TP. HCM để truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về báo cáo thẩm định liên quan đến Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để xem xét đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan nghiên cứu Báo cáo thẩm định và đưa ra ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan, bao gồm sự phù hợp với quy hoạch, tác động môi trường, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng, cũng như ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/8/2024 để tổng hợp và hoàn thiện báo cáo trình Phó Thủ tướng trước cuộc họp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát kỹ lưỡng nội dung thẩm định, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, đánh giá sự phù hợp với quy hoạch, và bổ sung các thông tin cần thiết liên quan đến quy mô, công suất, và điều kiện tiếp cận thị trường của dự án.
Hiện nay, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn do Công ty Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất công tác thẩm định.
Theo báo cáo thẩm định, dự án này đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư, với Nghị quyết số 98/2023/QH15 đưa dự án vào nhóm các dự án chiến lược thúc đẩy kinh tế TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh dự án sẽ góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế và tăng cường sức cạnh tranh quốc gia.
Dự án nằm ở vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, do đó, vấn đề môi trường và công nghệ sử dụng xây dựng, vận hành cảng là yếu tố quan trọng để hạn chế tác động tiêu cực. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ GTVT cần có ý kiến cụ thể về các vấn đề này để đảm bảo hiệu quả và thành công của dự án.
Sau khi có ý kiến từ các bộ liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư có điều kiện đối với dự án này.
>> Thêm 'siêu cảng' 6 tỷ USD tại Cần Giờ được đệ trình 
Saigontourist bắt tay 'ông lớn' Thái Lan, tạo 'cú hích' cho ngành du lịch Việt Nam 
Bất ngờ 4 nhà máy điện gió tại Gia Lai vào diện bị Bộ Công an điều tra