Ngày 17/11, ban quản trị OpenAI – startup đứng sau ChatGPT – thông báo Sam Atlman sẽ từ chức CEO và bị thay thế bằng Giám đốc công nghệ Mira Murati.
OpenAI cho biết đã tiến hành “quá trình xem xét có cân nhắc” và “kết luận rằng ông ấy (Altman) đã không nhất quán khi giao tiếp với ban quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình”.
“Hội đồng quản trị không còn tin tưởng vào khả năng tiếp tục lãnh đạo OpenAI” của Altman, tuyên bố cho biết.
Hội đồng quản trị của OpenAI bao gồm nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever và các giám đốc độc lập như CEO Quora Adam D'Angelo, doanh nhân công nghệ Tasha McCauley và Helen Toner của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi Georgetown. OpenAI cho biết hội đồng quản trị là "cơ quan quản lý tổng thể cho tất cả các hoạt động OpenAI".
Không chỉ Altman, Chủ tịch OpenAI Greg Brockman cũng sẽ từ chức Chủ tịch ban quản trị và duy trì vị trí của mình tại công ty, báo cáo công việc cho CEO.
Trên X, Sam Altman thừa nhận sẽ rời khỏi OpenAI nhưng không nhắc đến bất kỳ cáo buộc nào của ban quản trị. “Tôi yêu thời gian của mình tại OpenAI”, ông viết. “Cá nhân tôi đã thay đổi và hy vọng thay đổi thế giới một chút. Trên hết, tôi thích vì được làm việc với những con người tài năng”. Ông nói thêm sẽ “có nhiều thứ để nói hơn tiếp theo”.
OpenAI – startup được Microsoft đầu tư hàng tỷ USD – trở nên nổi tiếng cuối năm ngoái sau khi phát hành chatbot ChatGPT cho công chúng. Dịch vụ tiếp nhận lời nhắc (prompt) của người dùng và thực hiện yêu cầu một cách sáng tạo, khởi động cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong giới công nghệ.
Người phát ngôn Microsoft cho biết công ty có “hợp tác dài hạn với OpenAI và Microsoft tiếp tục cam kết với Mira và nhóm của họ khi chúng tôi đưa kỷ nguyên AI tiếp theo đến với khách hàng”.
OpenAI ra mắt như một mô hình phi lợi nhuận vào năm 2015 với sự ủng hộ từ CEO Tesla Elon Musk, người được cho là đã cam kết 1 tỷ USD cho dự án. Trước khi đảm nhận vị trí CEO, Altman là Chủ tịch của công ty tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator. Thời gian đầu sự nghiệp của mình, anh đã thành lập công ty mạng xã hội Loopt.
Cùng với sự phổ biến của ChatGPT, danh tiếng của Altman cũng lên như diều gặp gió. Anh trở thành người đại diện cho ngành công nghiệp AI đang bùng nổ trên toàn cầu. Vào tháng 9, lãnh đạo công nghệ 38 tuổi được Indonesia cấp “thị thực vàng”, cung cấp đặc quyền trong vòng 10 năm về chỗ ở và ưu đãi khác trong nước.
Altman đã đến thăm nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác nhau trong mùa hè bao gồm Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, gặp gỡ các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ, phát biểu trước công chúng về sự phát triển của AI và sự cần thiết của các quy định.
Anh đã làm chứng trước Thượng viện Mỹ vào tháng Năm, kêu gọi các nhà lập pháp điều chỉnh AI, nêu nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường việc làm, hệ sinh thái thông tin và các lo ngại kinh tế và xã hội khác. Thời điểm đó, anh nói “nếu công nghệ này gặp trục trặc, nó có thể đi sai hoàn toàn. Và chúng tôi muốn lên tiếng về điều đó. Chúng tôi muốn làm việc với chính phủ để ngăn chặn điều đó xảy ra".
Trước khi mở đầu cho phiên điều trần tại Thượng viện, Altman cũng đã phát biểu tại một bữa tối với khoảng 60 nhà lập pháp, những người được cho là đã bị ấn tượng bởi bài phát biểu và trình diễn của anh. Gần đây hơn, Altman phát biểu trong tuần này tại hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ở San Francisco (Mỹ).
OpenAI tổ chức hội nghị nhà phát triển đầu tiên vào đầu tháng 11, nhấn mạnh sự phổ biến ngày càng tăng của startup này trong ngành công nghệ. CEO Microsoft Satya Nadella tham gia với tư cách khách mời bất ngờ trong sự kiện, cùng Altman trên sân khấu để thảo luận về các công nghệ AI của startup và quan hệ đối tác với Microsoft.
(Theo CNBC)
Cơn sốt nghìn tỷ USD năm 2024 và thách thức với những tỷ phú số 1 
Startup Trung Quốc gây sốc với mô hình AI sánh ngang ChatGPT nhưng chi phí rẻ bất ngờ