Sân bay gần 60 tuổi do Mỹ xây dựng của Việt Nam sắp được 'lên đời': Hạng mục 3.000 tỷ đang tìm cách gỡ khó
Hiện trạng của sân bay này đang gặp nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trong đó, việc xây dựng đường cất hạ cánh số 2 cần được ưu tiên.
Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với tỉnh Bình Định và các Bộ, ngành liên quan về đề xuất đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phù Cát  (sân bay Phù Cát).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, sân bay Phù Cát có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng của sân bay này đang gặp nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Trong số đó, việc xây dựng đường cất hạ cánh số 2 cần được ưu tiên.
"Cấp bách nhất hiện nay là xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác trong khu bay, với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  cũng đề xuất sử dụng vốn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng, với chi phí khoảng 1.008 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2.
Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải căn cứ vào thẩm quyền và quy định của pháp luật hàng không dân dụng để phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường... tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Phù Cát.
Sau gần 60 năm hoạt động, đường cất hạ cánh duy nhất của sân bay Phù Cát đã xuống cấp, khả năng chịu tải thấp, chỉ có thể khai thác giảm tải đối với các loại máy bay như A320/321 và tương đương. Hiện sân bay có sân đỗ máy bay với 7 vị trí đỗ, nhà ga hành khách và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng công suất thiết kế khoảng 2 triệu hành khách mỗi năm.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Phù Cát được xác định là cảng hàng không nội địa trong mạng lưới sân bay toàn quốc, đồng thời là sân bay dùng chung cho cả hoạt động dân dụng và quân sự. Cảng hàng không này thuộc cấp 4C, với công suất dự kiến đạt 5 triệu hành khách/năm (gấp đôi công suất hiện tại) và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Loại máy bay khai thác chính sẽ là các tàu bay code C như A320/A321 và tương đương, sử dụng phương thức tiếp cận hạ cánh CAT II.
Để thực hiện dự án mở rộng sân bay Phù Cát, UBND tỉnh Bình Định cần khoảng 7.352 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm các hạng mục chính: xây dựng đường băng số 2, các đường lăn nối và công trình thuộc khu bay (3.013 tỷ đồng); xây dựng, di dời các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ cho khu hàng không dân dụng (1.207 tỷ đồng); và xây dựng khu hàng không dân dụng mới (3.132 tỷ đồng).
Tỉnh Bình Định xem đây là dự án trọng điểm, nhằm hiện thực hóa quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc mở rộng Cảng hàng không Phù Cát được kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông hàng không, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Cảng hàng không Phù Cát trước đây là sân bay Phù Cát, cách trung tâm TP. Quy Nhơn 30km về phía Tây Bắc, được Mỹ xây dựng từ những năm 1960-1970. từng là căn cứ quan trọng của Không quân Mỹ - Ngụy. Từ năm 1975, sân bay được sử dụng là căn cứ của Không quân Việt Nam.
Sân bay tại TP có cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam sắp nâng công suất gấp 9 lần hiện tại