Sắp mở rộng cao tốc kết nối TP. HCM tới tỉnh giàu bậc nhất Việt Nam, vốn đầu tư gần 15.000 tỷ
Theo đề xuất, phạm vi mở rộng sẽ kéo dài gần 22km, bắt đầu từ Km4+000 (nút giao Vành đai 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM) và kết thúc tại Km25+920 (nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 2994/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc triển khai Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành, thuộc tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo nội dung công văn, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và đang trong giai đoạn thu phí khai thác.

Nhằm bảo đảm việc mở rộng tuyến cao tốc diễn ra thuận lợi và đúng định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương đề xuất phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến nói trên. Trong đó, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu và ngân sách nhà nước.
Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong thời gian sớm nhất, để có thể giao VEC thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024, bảo đảm hoàn thành dự án trong năm 2026.
Kết quả thực hiện phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) đã trình lãnh đạo Chính phủ phương án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành, thuộc tuyến đường bộ cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đề xuất, phạm vi mở rộng sẽ kéo dài gần 22km, bắt đầu từ Km4+000 (nút giao Vành đai 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM) và kết thúc tại Km25+920 (nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Về quy mô, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) sẽ được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn còn lại, từ nút giao Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) được đầu tư với quy mô 10 làn xe.
Riêng cầu Long Thành sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên cầu mới, có quy mô tương đương cầu hiện hữu. Phương án tổ chức giao thông dự kiến bố trí tổng cộng 10 làn xe, mỗi chiều 5 làn rộng 3,5m, tạm thời không bố trí làn dừng khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án là hơn 14.955 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 5.555 tỷ đồng (37%), phần còn lại là vốn vay thương mại, khoảng 9.400 tỷ đồng (63%).
Theo thống kê, top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước năm 2024 gồm TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong đó, GRDP của tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không chỉ vượt mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) mà còn cao hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (5,41%).
Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tại Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng, vượt qua mục tiêu 148 triệu đồng/người.