Sáp nhập sau 34 năm chia tách, tỉnh này có cả đồng bằng, biển và núi tạo cơ hội bứt phá toàn diện
Việc hợp nhất 3 tỉnh này mở ra cơ hội xây dựng một vùng kinh tế trọng điểm năng động và bền vững.
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, ba tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định hợp nhất thành một tỉnh, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
Sau sáp nhập, tỉnh mới Ninh Bình vừa có biển, vừa có đồng bằng, vừa có núi với diện tích gần 4.000km2 với quy mô dân số khoảng 3,79 triệu người.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường, việc hợp nhất 3 tỉnh này mở ra cơ hội xây dựng một vùng kinh tế trọng điểm năng động và bền vững. Khu vực này sẽ có thị trường lao động lớn, sức mua nội địa mạnh và tiềm năng khai thác tài nguyên hiệu quả. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và hình thành chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và phân phối.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại khu vực hợp nhất đang được mở rộng với các tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và cao tốc Bắc Nam. Sự kết nối này không chỉ thúc đẩy lưu thông hàng hóa mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các trung tâm logistics liên tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương khi hợp nhất sẽ bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc kinh tế đa dạng và linh hoạt.
Cụ thể, Hà Nam đang nổi lên với công nghiệp chế biến, chế tạo; trong khi đó, Ninh Bình có thế mạnh về du lịch – dịch vụ; Nam Định phát triển mạnh về công nghiệp nhẹ và đào tạo nhân lực.
Khi liên kết hiệu quả, sự bổ sung này sẽ tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế toàn vùng.
>>Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định: Tỉnh nào có GRDP bình quân đầu người cao nhất?
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định đã nhiều lần được chia tách, sáp nhập trong lịch sử.
Theo báo Dân trí, tỉnh Ninh Bình xuất hiện trên bản đồ Việt Nam vào năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), sau khi được đổi từ trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình.
Tháng 10/1890, phủ Lý Nhân được tách khỏi Hà Nội để thành lập tỉnh Hà Nam.
Nam Định xuất hiện năm 1822 khi đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Đến năm 1832, trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định với 4 phủ, 18 huyện.
Năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập tỉnh Nam Hà trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hà Nam và Nam Định.
Đến ngày 27/12/1975, tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình.
Tại thời điểm đó, tỉnh Hà Nam Ninh có 20 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố Nam Định, 3 thị xã (Hà Nam, Ninh Bình, Tam Điệp) và 16 huyện.
Đến năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh được chia tách thành tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như cũ. Năm 1996, tỉnh Nam Hà chia tách một lần nữa, tái lập tỉnh Hà Nam và Nam Định.
>> Sau sáp nhập, tỉnh nào sẽ thay thế Bắc Ninh trở thành tỉnh nhỏ nhất nước?