Sắp tắt sóng 2G, Công an lên tiếng về nhiều chiêu thức lừa đảo mới, người dân nên biết để tránh mất tiền oan
Công an khuyến cáo người dân nên mua thiết bị 4G tại các cơ sở uy tín, tránh sập bẫy các sản phẩm trôi nổi trên mạng.
Ngày 21/8, Công an TP. Hà Nội  đã phát đi cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng việc chuyển đổi công nghệ di động. Với chính sách sắp cắt sóng 2G, nhu cầu chuyển đổi sang điện thoại 4G tăng cao, đặc biệt là đối với người cao tuổi ưa chuộng các dòng máy phím bấm đơn giản. Nắm bắt tâm lý này, một số đối tượng đã “biến” các thiết bị 2G cũ kỹ thành điện thoại “4G” với giá từ 400.000 đến 500.000 đồng, đánh lừa người tiêu dùng.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội hoặc bán hàng trực tiếp để tiếp cận “con mồi”. Họ đăng tải những quảng cáo hấp dẫn về điện thoại 4G giá rẻ hoặc các loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời hứa hẹn “3G hay 4G đều dùng thoải mái” với giá dưới 1 triệu đồng.
Sau khi giao hàng, các đối tượng nhanh chóng xóa tài khoản hoặc chặn liên lạc  trên mạng xã hội, khiến người mua rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”. Nhiều người nhẹ dạ, thiếu kiến thức công nghệ đã nhận phải điện thoại 2G hoặc smartphone 3G không thể sử dụng khi mạng 4G được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.
Vì việc phân biệt giữa điện thoại hỗ trợ 4G và các thiết bị cũ là điều không dễ dàng, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân nên mua hàng tại những địa chỉ uy tín, tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Theo lộ trình đã công bố, từ ngày 16/9/2024, hệ thống 2G sẽ chính thức ngừng hoạt động. Đây là bước đầu trong chiến lược phát triển viễn thông quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm thúc đẩy công nghệ 4G/5G và đưa mỗi người dân đến gần hơn với mục tiêu sở hữu một chiếc điện thoại thông minh vào năm 2030. Trước thay đổi này, nhiều người đã gấp rút nâng cấp thiết bị để không bị gián đoạn liên lạc.
>> Khan hàng điện thoại 'cục gạch' 4G khi tắt sóng 2G