Sau 20 năm trì hoãn, khu dân cư ‘sát vách’ khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam chuẩn bị khởi công
Dự án dự kiến phục vụ cho khoảng 5.500 cư dân với các hạng mục gồm 313 căn biệt thự và nhà vườn cùng 1.025 căn hộ cao cấp.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Tân An Huy dự kiến tổ chức lễ khởi công dự án Khu dân cư  Tân An Huy tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM vào ngày 6/2 tới đây, sau hơn 20 năm trì hoãn.
Hiện tại, Công ty Tân An Huy đã có sự thay đổi về đội ngũ lãnh đạo và cổ đông. Những khó khăn, vướng mắc pháp lý trước đây cũng đã được chính quyền TP. HCM tháo gỡ, tạo điều kiện để dự án được tái khởi động.
Được biết, dự án Khu dân cư Tân An Huy có quy mô khoảng 20,7ha, được phê duyệt lần đầu vào tháng 12/2005. Dự án nằm gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dự kiến phục vụ cho khoảng 5.500 cư dân với các hạng mục gồm 313 căn biệt thự và nhà vườn cùng 1.025 căn hộ cao cấp.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án đã không thể tiến triển do vướng mắc ở nhiều khía cạnh. Hạ tầng kỹ thuật chỉ mới thi công đạt 30% khối lượng, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất, thuế nhà nước chưa được thanh toán đầy đủ.
Bên cạnh đó, công ty cũng gặp tình trạng nợ đọng kéo dài với các nhà thầu và phát sinh các hạng mục xây dựng trái phép không đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Trước đó, tháng 12/2020, Thanh tra TP. HCM đã công bố kết luận về dự án này.
Theo đó, ông Lê Anh Tuấn – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Tân An Huy đã qua đời vào tháng 2/2017. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, công ty vẫn chưa cử người đại diện pháp luật mới và chưa chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài ra, từ năm 2011, Công ty Tân An Huy đã xây dựng 14 căn nhà ở thấp tầng không đúng quy hoạch. Đến tháng 7/2017, Sở Xây dựng TP. HCM mới phát hiện và xử lý các vi phạm này.
Ở khu đất cao tầng, vào tháng 10/2016, Tân An Huy đã ký thỏa thuận đặt cọc với Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residence trước khi được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2017. Công ty cũng đã tiến hành ép cọc đại trà trước khi được cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Công ty Nam Sài Gòn đã kê khai thuế thay thế cho Công ty Phú Mỹ Hưng về khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn giữa các công ty liên quan gồm Indochina, VPF và Phú Mỹ Hưng.
Tại thời điểm thanh tra năm 2020, Tân An Huy vẫn còn nợ ngân sách nhà nước khoảng 150 tỷ đồng, cùng hơn 5 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.
Việc khởi công lại dự án sau hơn hai thập kỷ chậm trễ là một tín hiệu tích cực, song vẫn còn nhiều thách thức phía trước để đưa dự án Tân An Huy trở lại đúng tiến độ và hoàn thành đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng từng là vùng đất đầm lầy, nhiễm phèn chua và nước mặn của khu vực Nam Sài Gòn. Vào năm 1993, Công ty Phú Mỹ Hưng đã chi 2 triệu USD để tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch đô thị mới tại khu vực này, thu hút sự tham gia của các nhà quy hoạch và kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
Đến năm 1996, Công ty Phú Mỹ Hưng – với vai trò là chủ đầu tư – bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 4,33km2, hình thành nên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Dự án được phát triển dựa trên ba tiêu chuẩn quy hoạch cốt lõi: phát triển bền vững, đón đầu tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thiết kế, kiến trúc. Đặc biệt, khu đô thị không cho phép cơi nới hay phá vỡ quy hoạch và cảnh quan tự nhiên.
Nhờ những nỗ lực này, vào năm 2008, Phú Mỹ Hưng trở thành khu đô thị đầu tiên trên cả nước được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu, đồng thời đóng vai trò hạt nhân trong sự phát triển của quận 7 và khu Nam TP. HCM.
>> Hôm nay, Việt Nam chính thức có thêm 1 thị xã mới