Sau sáp nhập, đây là tỉnh ít dân nhưng dự kiến có 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới này sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội khi sở hữu 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo phương án này, Quảng Trị sẽ sáp nhập với Quảng Bình, lấy tên gọi mới là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới này sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có 2 sân bay. Trong đó, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vừa được đầu tư xây dựng thêm nhà ga hành khách T2, với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án này đạt công suất phục vụ lên 3 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Ngoài ra, Cảng hàng không Quảng Trị được khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2026. Dự án sân bay Quảng Trị có quy mô 265ha, trên các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh. Với tổng mức đầu tư là 5.833,9 tỷ đồng, dự án được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế-ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Bên cạnh việc sở hữu hai sân bay , tỉnh sau khi sáp nhập còn có ba cửa khẩu quốc tế trọng điểm gồm Cha Lo, La Lay và Lao Bảo. Đây là những đầu mối giao thương quan trọng, đóng vai trò cầu nối cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Ngoài ra, tỉnh này còn có hai cảng biển quy mô lớn là Hòn La (thuộc Quảng Bình) và Mỹ Thủy (thuộc Quảng Trị). Cảng Hòn La hiện đang được nâng cấp, dự kiến sẽ có thêm bốn bến mới nhằm nâng công suất khai thác lên 3 triệu tấn mỗi năm vào quý I/2026 và tiếp tục tăng lên 6 triệu tấn vào quý IV/2027. Với điều kiện nằm trong vịnh kín gió cùng hệ thống kho bãi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cảng sở hữu độ sâu tự nhiên lý tưởng để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn.
Trong khi đó, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tọa lạc tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đã chính thức khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đi vào vận hành cuối năm 2025. Cảng này có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 100.000 tấn.
Với vị trí gần tuyến hàng hải ven bờ và kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các cảng biển này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Myanmar, cũng như các vùng kinh tế phụ cận.

Quảng Bình là tỉnh miền Trung Việt Nam, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Nổi bật nhất phải kể đến Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Tại đây, du khách có thể khám phá hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, hang Én, hang Thiên Đường hay thám hiểm hệ thống Tú Làn, tất cả đều mang đến trải nghiệm ngoạn mục giữa lòng đất.
Bên cạnh hệ thống hang động, Quảng Bình còn có những điểm đến nên thơ như bãi biển Nhật Lệ với bãi cát trắng mịn trải dài, suối nước Moọc hay sông Chày – hang Tối... Không chỉ có thiên nhiên trù phú, nơi đây còn là vùng đất gắn liền với những giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời, như lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh...

Nếu Quảng Bình chinh phục du khách bằng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ thì Quảng Trị lại lắng đọng với chiều sâu lịch sử và hành trình tìm về ký ức chiến tranh.
Du khách đến Quảng Trị không thể bỏ qua Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt năm 1972, trở thành biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình; cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, nằm trên vĩ tuyến 17 lịch sử, từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam – Bắc, nay là nơi ghi dấu ký ức dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước.
Quảng Trị còn sở hữu địa đạo Vịnh Mốc – công trình ngầm độc đáo trong lòng đất do người dân đào trong thời kỳ chiến tranh.
Cả Quảng Bình và Quảng Trị đều nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, có cửa khẩu quốc tế, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện lý tưởng để kết nối du lịch nội địa và quốc tế. Từ đây, du khách có thể dễ dàng mở rộng hành trình sang Lào, Thái Lan hoặc kết nối với các tỉnh miền Trung khác như Huế, Đà Nẵng.
An Giang, Kiên Giang sáp nhập còn 102 xã phường, có thêm 3 đặc khu
Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền quan trọng