Sau sáp nhập, địa phương dự kiến có 350km đường biên giới với Campuchia sẽ trở thành tỉnh giàu có top đầu Việt Nam, là cực tăng trưởng mới của khu vực
Nếu thực hiện sáp nhập, những lợi thế về vị trí và tiềm năng kinh tế của 2 địa phương sẽ góp phần đưa tỉnh mới phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết 60 tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong 52 địa phương sáp nhập, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay, có diện tích tự nhiên 8.536,5km2 và quy mô dân số 2.959.000 người.

Đề xuất sáp nhập Long An và Tây Ninh không chỉ là sự hợp nhất về địa lý mà còn mở ra cơ hội định hình một cực tăng trưởng mới với quy mô kinh tế lớn, hệ sinh thái công – nông nghiệp toàn diện và tiềm lực hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Xét về vị trí địa lý, Long An và Tây Ninh cùng nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP. HCM, là "trạm trung chuyển" chiến lược giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long . Khi sáp nhập, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sẽ có tổng chiều dài đường biên giới giáp Campuchia hơn 350km.
Trong đó, Long An tiếp giáp trực tiếp TP. HCM, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối nhanh với các khu công nghiệp, cảng biển và sân bay quốc tế. Tây Ninh lại là địa phương duy nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giáp biên giới Campuchia, sở hữu cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, một trong những cửa ngõ thương mại sôi động nhất khu vực phía Nam. Việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển theo trục Đông - Tây, kết nối lợi thế công nghiệp và logistics của Long An với tiềm năng kinh tế biên mậu và năng lượng tái tạo của Tây Ninh. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu liên kết với hệ thống hạ tầng vùng như cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, cao tốc Bến Lức – Long Thành hay tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ trong tương lai.
Về tiềm năng phát triển kinh tế, cả hai địa phương đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024. Cụ thể, GRDP của Tây Ninh ước đạt mức tăng 8,45%, vượt xa mục tiêu kế hoạch và xếp thứ 19/63 toàn quốc; đặc biệt, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh đứng thứ 2 sau Bình Phước. GRDP giá hiện hành đạt khoảng 123.878 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tới 45,79%, cho thấy vai trò dẫn dắt ngày càng rõ nét.
Trong khi đó, Long An đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,3% trong năm 2024, với sự bứt phá rõ rệt trong quý III và quý IV, lần lượt đạt 10,82% và 11,26%. Quy mô kinh tế Long An đạt hơn 188.000 tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước. Không chỉ vậy, Long An còn dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư nước ngoài, với 1.377 dự án và tổng vốn đăng ký lên tới 12,6 tỷ USD. Trong số đó, 635 dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ.

Nếu được sáp nhập, Long An – Tây Ninh sẽ hình thành một đơn vị hành chính mới có quy mô kinh tế vượt trội, là một trong những địa phương giàu có của cả nước, đóng vai trò là vùng đệm kết nối TP. HCM với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ lớn ở khu vực phía Tây Nam Bộ.
Về mặt phát triển xã hội và du lịch, địa phương hợp nhất sẽ sở hữu những điểm đến hấp dẫn như núi Bà Đen (Tây Ninh), làng nổi Tân Lập, chùa Tôn Thạnh (Long An), đồng thời khai thác thêm tuyến hành hương, sinh thái, văn hóa kết nối từ TP. HCM qua Long An đến Tây Ninh. Đây là cơ hội để xây dựng chuỗi giá trị du lịch, thương mại biên giới mới mẻ, đa dạng và có tính bền vững cao.
Với những lợi thế rõ rệt về địa lý, quy mô kinh tế, hạ tầng kết nối và động lực tăng trưởng, việc sáp nhập Long An và Tây Ninh nếu được thực hiện không chỉ tinh gọn bộ máy quản lý mà còn là bước đi chiến lược để tạo nên một cực phát triển năng động mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
>> Sau sáp nhập, bất ngờ quy mô kinh tế của tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam