Sau sáp nhập, tỉnh mới này tiếp tục đặt tham vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Sau sáp nhập, tỉnh này dự kiến có diện tích tự nhiên 4.718,6km2, dân số hơn 3,6 triệu người với 99 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Báo Lao Động, ngày 22/4, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4/2025, tập trung thảo luận và cho ý kiến về hai nội dung trọng tâm: Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được đánh giá là phù hợp với yếu tố lịch sử - văn hóa, do cả hai địa phương đều từng thuộc tỉnh Hà Bắc trước khi tách ra năm 1997. Hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo và cùng chia sẻ một nền tảng văn hóa lâu đời.

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới dự kiến có diện tích tự nhiên 4.718,6km2, dân số hơn 3,6 triệu người với 99 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh đặt tại TP. Bắc Giang.
Về định hướng phát triển, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình. Theo tính toán, địa phương này đã vượt xa tiêu chuẩn yêu cầu: diện tích đạt 314,6% và dân số đạt 241,3% so với quy định.
Đối với đề án sáp nhập cấp xã, toàn tỉnh sẽ còn lại 41 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 20 phường và 21 xã), giảm 80 đơn vị so với hiện tại - tương đương mức tinh giản 66,11%. Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự đồng thuận cao: 316.863 cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý, đạt tỷ lệ 96,35%.
Tương tự, đối với đề án sáp nhập hai tỉnh, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình đồng thuận là 781.025 người, đạt tỷ lệ 98,21%. Trong đó, riêng Bắc Ninh có 321.545 cử tri đồng thuận, tương đương 97,78%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các sở, ngành khẩn trương góp ý bằng văn bản gửi về Sở Nội vụ trước 21h ngày 22/4.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, hoàn thiện đề án trình HĐND tỉnh vào ngày 25/4. Sau khi được HĐND thông qua, đề án sẽ được báo cáo lên Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Dự kiến, sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có quy mô kinh tế đạt khoảng 439.800 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước - chỉ sau TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Được biết, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào chiều 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhận định, tỉnh Bắc Ninh mới sau sáp nhập sẽ có vai trò và vị thế rất lớn. Đến năm 2030, địa phương này được quy hoạch trở thành đô thị thông minh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh mới đây đã có tờ trình đề nghị tạm dừng việc xây dựng đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, Sở Nội vụ kiến nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đề xuất lên Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và quyết định chủ trương tạm dừng triển khai đề án này.