Sau sầu riêng và cá ngừ, thêm một mặt hàng của Việt Nam trở thành đối thủ lớn của Thái Lan, thu về hơn 372 triệu USD trong quý I
Trong quý I, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn mặt hàng này.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (sau Thái Lan); giá trị xuất khẩu từ năm 2013 đến nay bình quân đạt trên 1 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn trong quý I/2025 đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch 372,9 triệu USD, tăng 28,4% về khối lượng, nhưng giảm 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 310,2 USD/tấn, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1,1 triệu tấn sắn với trị giá hơn 349 triệu USD, tăng 30% về lượng nhưng giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện nay, Việt Nam có trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất đạt 9,3 triệu tấn/năm. Cả nước có 43 tỉnh, thành trồng sắn (tính đến năm 2023), tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam (VCA), thị trường sắn vụ 2024-2025 có thể tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về giá và nhu cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tập trung thu mua sắn lát đạt tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì phục vụ sản xuất cồn công nghiệp.
Theo Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là nâng sản lượng sắn tươi cả nước lên khoảng 11,5-12,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn phấn đấu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.
Thái Lan là quốc gia trồng sắn lớn thứ 3 thế giới nhưng là nước xuất khẩu lớn nhất. Tổng giá trị xuất khẩu sắn của Thái Lan năm 2024 đạt 3,13 tỷ USD, so với năm 2023 giảm 15,6%. Năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan gồm: Trung Quốc (51,4%), Nhật Bản (9,4%), Indonesia (7,4%), Đài Loan (5,1%) và Malaysia (4,1%).
Thái Lan từ lâu đã thống trị thị trường sầu riêng của Trung Quốc, cung cấp 57% trong tổng số 6,99 tỷ USD trái cây mà Trung Quốc đã nhập khẩu vào năm 2024. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai, chiếm 38%, trong khi Philippines và Malaysia đứng thứ ba và thứ tư, với tổng kim ngạch 38,2 triệu USD.
Về cá ngừ, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ đã giúp Việt Nam thu về hơn 139 triệu USD, tăng 6%. Trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng trưởng trừ Italy, Israel và Mexico. Đặc biệt, trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada hay Nhật Bản đều tăng trưởng ấn tượng.
Thủ tướng: Chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Xuất khẩu sang Mỹ và EU vẫn tăng tốc giữa 'bão thuế quan' cận kề