Sếp Constrexim: Giá BĐS tăng đột biến gấp 10-20 lần là giá ảo, khiến thị trường méo mó
Theo lãnh đạo CTCP Phát triển nhà Constrexim, việc giá bất động sản tăng đột biến gấp 10-20 lần như hiện nay hoàn toàn là "giá ảo", do một số đối tượng đầu cơ "thổi giá" lên.
Tại hội nghị diễn ra sáng ngày 15/11 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA đã chia sẻ về tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm 2022, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và quy trình triển khai dự án trong thời gian qua cũng tạo nên những thách thức lớn, làm chậm tiến độ triển khai các dự án bất động sản.
Từ khoảng giữa năm 2024, thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu lạc quan hơn. Nhiều luật sửa đổi đã được thông qua và nhanh chóng có hiệu lực, các thông tư hướng dẫn cũng được ban hành đầy đủ hơn.
Giá BĐS trong thời gian vừa qua có sự biến động mạnh. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, quá trình thực thi và áp dụng luật ở giai đoạn đầu vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại các địa phương, nơi nhiều cán bộ vẫn còn e dè trong việc ký văn bản chấp thuận đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Constrexim, cho biết: "Là người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành, tôi nhận thấy tình trạng nhiều địa phương không dám ký văn bản chấp thuận đầu tư vẫn diễn ra rất phổ biến. Điều này khiến các doanh nghiệp phải chờ đợi kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai dự án và gây mệt mỏi cho nhà đầu tư".
Ông Cây so sánh thực trạng tại Việt Nam với các quốc gia khác, nơi nhà phát triển bất động sản dễ dàng tính toán lợi nhuận đầu tư nhờ giá đất được xác định rõ ngay từ đầu khi chấp thuận dự án.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các nhà đầu tư thường gặp khó khăn trong việc dự toán do nhiều chi phí phát sinh không lường trước và thời gian chấp thuận kéo dài đến hàng năm.
"Thực tế này khiến giá bất động sản tăng cao nhằm bù đắp chi phí và nếu không có giải pháp kịp thời để điều chỉnh, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn nhất", ông Cây nhấn mạnh.
Ông cũng bày tỏ lo ngại về sự tăng giá bất động sản đột biến đến 10-20 lần trong một số trường hợp, điều mà ông cho rằng là "giá ảo", do sự can thiệp của các nhóm đầu cơ, gây méo mó thị trường và thiệt hại lâu dài cho người dân.
>> Lộ diện TP có giá chung cư tăng cao nhất cả nước, bỏ xa Hà Nội và TP. HCM
Các chuyên gia nhận định rằng việc cải thiện cơ chế, đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án và kiểm soát giá bất động sản vẫn là những yếu tố then chốt để thị trường phát triển bền vững. Ảnh: Internet |
Bàn về vấn đề giá bất động sản, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng vai trò điều tiết giá thuộc về Nhà nước, không phải các chủ đầu tư hay môi giới.
"Chỉ Nhà nước mới có quyền điều chỉnh giá đất và cần có chính sách hợp lý. Nếu giá đất quá cao, toàn bộ các sản phẩm bất động sản liên quan trên thị trường sẽ đồng loạt tăng giá", ông Tiến khẳng định.
Ông cũng đề xuất giải pháp liên quan đến chính sách sử dụng đất đối với các dự án chung cư cao tầng.
Theo ông, các dự án dưới 5 tầng nên chịu mức tiền sử dụng đất cao, trong khi các dự án trên 5 tầng cần được ưu đãi hơn để thúc đẩy phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu của phần đông người dân.
Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục và đặc biệt là nhà ở xã hội.
"Với nhà ở xã hội, tôi cho rằng cần tập trung vào mô hình cho thuê thay vì mua bán, đồng thời không nên phân biệt đối tượng được thuê nhà", ông Tiến kiến nghị.
Mặc dù thị trường bất động sản đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, các chuyên gia nhận định rằng việc cải thiện cơ chế, đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án và kiểm soát giá bất động sản vẫn là những yếu tố then chốt để thị trường phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro cho người dân cũng như các nhà đầu tư.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy trong quý III, giá bất động sản tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM, và các đô thị lớn, tiếp tục có xu hướng tăng. Hiện tượng tăng giá này mang tính cục bộ, diễn ra tại một số khu vực, phân khúc và loại hình bất động sản, từ đó tác động đến mặt bằng giá chung của thị trường. Bộ đã chỉ ra bốn nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này:
1. Biến động chi phí đất đai và giá đất
Giá bất động sản tăng một phần do chi phí liên quan đến đất đai biến động mạnh, đặc biệt khi áp dụng phương pháp tính giá đất và bảng giá đất mới.
Tại một số địa phương, kết quả đấu giá đất có giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, việc quản lý đấu giá tại một số khu vực còn bất cập, dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư thành lập nhóm hoặc hội để tham gia đấu giá, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Sau đó, những nhà đầu tư này có thể bỏ cọc để tạo mặt bằng giá ảo nhằm trục lợi.
Việc đấu giá đất cao như vậy làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản và nhà ở tại khu vực lân cận. Điều này không chỉ khiến chi phí triển khai dự án tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn làm giảm nguồn cung nhà ở, tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường bất động sản.
2. Tác động của các hoạt động đầu cơ và môi giới bất động sản
Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến hiện tượng thổi giá và tạo giá ảo do giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản gây ra. Những cá nhân này thường hoạt động tự do, không có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn yếu kém, thiếu hiểu biết pháp luật và đạo đức kinh doanh, dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật.
Họ lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm và tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để thao túng giá thị trường, đẩy giá cao hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Họ lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm và tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để thao túng giá thị trường, đẩy giá cao hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
3. Thiếu nguồn cung nhà ở
Nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, đang trong tình trạng khan hiếm. Điều này khiến nhu cầu vượt xa nguồn cung, làm tăng áp lực lên giá nhà ở.
4. Biến động kinh tế và xu hướng trú ẩn tài sản
Những biến động kinh tế gần đây, bao gồm tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu, và vàng, đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người dân. Trong bối cảnh đó, bất động sản trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng, đóng vai trò như một nơi "trú ẩn" an toàn cho dòng tiền tích lũy. Xu hướng này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu mua nhà đất, dẫn đến giá bất động sản tăng cao.
Theo Bộ Xây dựng, những yếu tố trên không chỉ đẩy giá bất động sản tăng cao, mà còn làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp. Bộ khuyến nghị cần có các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, bao gồm kiểm soát hoạt động đấu giá đất, tăng cường minh bạch trong môi giới bất động sản, và thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD đón tin vui mới 
Quyết định cưỡng chế ngôi nhà ‘án ngữ’ 10 năm giữa tuyến đường vào Khu kinh tế Dung Quất