'Sếp lớn' doanh nghiệp chia sẻ hành trình khởi nghiệp nhiều chông gai
Khởi nghiệp là một hành trình đầy cam go khi nhiều nghiên cứu cho thấy, trong 5 năm đầu, có hơn 95% số doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu phải đóng cửa vì nhiều lý do.
Chia sẻ tại chương trình "Khởi nghiệp - Khởi đầu địa phương, Tư duy toàn cầu", do khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang tổ chức ngày 3/11 với hơn 2.000 sinh viên tham dự, ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần DH Foods kể về 4 lần khởi nghiệp đầy chông gai  trước khi trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành.
Lần thứ nhất là năm 28 tuổi, ông mở công ty thủ công mỹ nghệ. Năm 31 tuổi, ông khởi nghiệp lần hai. Ở độ tuổi 45, ông tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 3 với tâm thế người có tiền. Nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu lại một lần nữa khiến ông trắng tay. Năm 2012, khi ở tuổi 50, ông quyết định khởi nghiệp lần thứ 4.
Trong lần khởi nghiệp này, ông Dũng thành lập DH Foods với ước mơ xây dựng doanh nghiệp chuyên về gia vị đặc sản Việt sạch, không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo. Sau nhiều năm xây dựng, đến nay DH Foods đã trở thành thương hiệu gia vị đặc sản sạch, góp phần mang gia vị Việt ra thế giới.
CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English Lê Đình Lực cũng chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình khởi nghiệp đặc biệt của mình. Anh từng cảm thấy lạc lõng trong lớp học chuyên Toán vì học kém môn tiếng Anh. Không lùi bước, anh quyết tâm chinh phục việc học dở môn tiếng Anh của mình. Tiếp đó, anh có quyết định táo bạo, từ chối suất học bổng tiến sĩ tại Australia vào năm 2017 để kiên trì phát triển "đứa con tinh thần" của mình là lớp dạy thêm tiếng Anh với phương pháp Linearthinking độc đáo do chính anh sáng tạo. Trải qua không ít khó khăn, anh đã khởi nghiệp thành công mô hình startup là phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English Lê Đình Lực chia sẻ về hành trình khởi nghiệp. |
Hiện, trung tâm của anh đã có 18 cơ sở ở khắp mọi miền đất nước và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng mô hình ra thị trường quốc tế.
Anh Lực cho biết, startup của anh có hai điểm mạnh nổi trội gồm hệ thống siêu công nghệ DOL SuperLMS và phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2019).
“Về cơ bản, phương pháp Linearthinking kết hợp giữa 3 yếu tố là nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất lên ngôn ngữ thứ 2. Hai yếu tố còn lại là áp dụng kỹ thuật siêu trí nhớ và tư duy logic Toán học để luyện tiếng Anh”, anh Lực chia sẻ.
Theo anh Lực, để sẵn sàng thử sức với thị trường toàn cầu, các startup Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, cần chuẩn bị những lợi thế cạnh tranh. Trong đó, cần ưu tiên lợi thế hàng đầu về sản phẩm, gồm nội dung, phương pháp giảng dạy độc đáo và hiệu quả, cộng thêm đội ngũ giáo viên đủ chuyên môn để truyền tải các phương pháp này một cách tối ưu. Bên cạnh đó, là yếu tố công nghệ. Khi tiến vào thị trường quốc tế, sản phẩm công nghệ cần có sự khác biệt và sáng tạo so với các đối thủ cùng ngành.
Chia sẻ kinh nghiệm hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị và giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Đức, co-founder BCC và Better Living, cho biết, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong 5 năm đầu khởi nghiệp, có đến 95 - 97% doanh nghiệp "rơi rụng". Theo ông Đức, bạn trẻ khởi nghiệp phải dựa vào nhiều yếu tố. Muốn tư duy toàn cầu, cần biết mình là ai, thế mạnh, nguồn lực, đam mê của mình; sau đó mới tính đến các yếu tố khác để bước vào con đường khởi nghiệp đầy chông gai.