Siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, doanh nghiệp ngành bia rượu vẫn báo doanh thu tăng vọt
Đã có những doanh nghiệp trong ngành bia, rượu công bố BCTC quý IV/2024.
Dù cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sản lượng tiêu thụ bia, rượu vẫn tăng mạnh. Điển hình là việc 2 doanh nghiệp trong ngành sớm công bố BCTC quý IV/2024  đã ghi nhận doanh thu tăng ấn tượng so với cùng kỳ.
Bia Sài Gòn Sông Lam (BSL ), công ty con thuộc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB ), ghi nhận doanh thu quý IV/2024 đạt 257 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 31%, đạt gần 15 tỷ đồng.
Tính cả năm 2024, doanh thu của Bia Sài Gòn Sông Lam đạt 935 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 21%, đạt 40 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu của công ty đến từ việc bán thành phẩm, với doanh thu từ phế liệu đạt gần 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bia Sài Gòn Sông Lam còn ghi nhận 1.851 tỷ đồng doanh thu nội bộ từ việc xuất bán thành phẩm cho công ty mẹ Sabeco.
Kết quả kinh doanh của Bia Sài Gòn Sông Lam |
CTCP Rượu Hà Nội (Halico, mã chứng khoán HNR ), một thương hiệu lớn trong ngành rượu nhưng gắn liền với những năm dài thua lỗ, đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong năm 2024.
Trong quý IV/2024, Halico ghi nhận doanh thu tăng 8%, đạt 32 tỷ đồng, và chỉ lỗ chưa đến 1 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Cả năm 2024, doanh thu của Halico đạt 112 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức trung bình 5 năm qua, và mức lỗ giảm xuống còn 8 tỷ đồng – mức lỗ "nhẹ nhàng" nhất trong hàng chục năm qua.
Kết quả kinh doanh của Halico |
>> Cập nhật KQKD quý IV/2024: Nhiều bất ngờ, có doanh nghiệp báo lãi gấp 12 lần cùng kỳ 
Từ đầu năm 2025, Nghị định 168 bắt đầu có hiệu lực, với các quy định siết chặt kiểm soát nồng độ cồn và hình thức xử phạt "nặng tay" như tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe, hay trừ điểm bằng lái. Điều này đặt ngành bia, rượu trước áp lực lớn.
Để ứng phó, các doanh nghiệp trong ngành đã triển khai hàng loạt chiến lược như giảm giá, tặng quà và gia tăng quảng cáo. Dữ liệu từ hai doanh nghiệp trong ngành mới công bố BCTC cho thấy, sản lượng tiêu thụ bia, rượu vẫn duy trì ở mức ổn định.
Tuy vậy, với chiến lược lâu dài, Sabeco đã thực hiện một quyết định mang tính 'bước ngoặt'. Cuối tháng 12/2024, Sabeco chi 830 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ chào mua công khai cổ phiếu SSB  của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây, nâng tỷ lệ sở hữu lên 65,9%, nắm quyền kiểm soát. Đây được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế và mở rộng thị phần trong ngành bia tại Việt Nam.
Bia Sài Gòn Bình Tây sở hữu sản phẩm bia không độ (bia 0 độ), cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn quốc tế như Heineken (Hà Lan), Baltika (Nga), Steiger (Tiệp Khắc) và Oettinger (Đức). Việc thâu tóm Bia Sài Gòn Bình Tây không chỉ giúp Sabeco gia nhập nhanh chóng vào phân khúc bia 0 độ – một phân khúc tiềm năng trong bối cảnh thắt chặt kiểm soát nồng độ cồn – mà còn tận dụng thành công sản phẩm Sagota của Bình Tây để mở rộng thị phần mà không cần đầu tư từ đầu. Đây được xem là biện pháp ứng phó hiệu quả của Sabeco trước thách thức từ Nghị định 168.