Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 5,5 tỷ USD đón tin vui
Siêu cảng với tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, được xem là biểu tượng chiến lược phát triển kinh tế biển của TP. HCM mới đây đã được đưa vào kế hoạch phát triển cảng biển Việt Nam.
Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc bổ sung Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ  vào các kế hoạch thực hiện.
Theo đó, khu bến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng được đưa vào danh các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Nhu cầu vốn được xác xác định trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao khu nước vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
UBND TP. HCM được giao nhiệm vụ xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.

Vốn đầu tư của dự án này không thấp hơn 50.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, dự án chỉ được thực hiện sau khi đã phù hợp với quy hoạch các cấp, được các cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác, hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường, hoàn thành thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định.

Nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật và cần phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP. HCM
Dự án cũng chỉ được thực hiện khi được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh những vấn đề có liên quan đến quốc phòng, an ninh khi thực hiện dự án hoặc chuyển nhượng dự án.
Theo Đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ TP. HCM trình Thủ tướng trước đó, công trình dài hơn 7km và có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000DWT (24.000teus).
Công trình có tổng vốn đầu tư dự kiến 5,45 tỷ USD, được chia làm 7 giai đoạn trong đó giai đoạn đầu sẽ hoàn thành trong năm 2027 và hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2045.
Sau khi đầu tư hoàn chỉnh, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt công suất thiết kế vào năm 2045, mang về nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xem là công trình có quy mô lớn và là biểu tượng của chiến lược phát triển kinh tế biển tại TP. HCM.
Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ biến TP. HCM trở thành trung tâm logistics và vận tải biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.