Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' đối với dự án 'siêu cảng' hơn 5 tỷ USD
Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định tổng thể vốn đầu tư của dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ . Đây được xem là cột mốc quan trọng trong việc triển khai dự án, do đó dự án sẽ hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lãnh đạo Chính phủ đã giao UBND TP. HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định cụ thể về tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư nhằm ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Theo như quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được thực hiện ở Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP. HCM , cảng này sẽ thực hiện các dịch vụ liên quan khai thác cảng container, cảng biển cũng như các dịch vụ khác.
Dự án này sử dụng khoảng 571ha đất với tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động của dự án trong vòng 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án này được xây dựng với mục tiêu phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gồm các dịch vụ liên quan đến việc khai thác cảng container cảng biển cũng như các dịch vụ khác.
UBND TP. HCM xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án chỉ được thực hiện khi dự án phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia và đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các quy định liên quan. Đồng thời, nhà đầu tư phải hoàn thành các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo các điều kiện và thủ tục liên quan đến công nghệ sử dụng trong dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Sau thời hạn này, việc thay đổi nhà đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật và cần có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP. HCM. Trong trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh, việc chuyển nhượng dự án, phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài phải được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan phê duyệt.
Thủ tướng cũng lưu ý rằng trong quá trình khảo sát, thi công và vận hành dự án, nếu phát hiện các di vật, cổ vật, nhà đầu tư phải thông báo ngay cho ngành văn hóa và chính quyền địa phương để có phương án xử lý theo quy định.
Trước đó, vào tháng 3/2024, TP. HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với kế hoạch khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030.
Được gọi là "siêu cảng", Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có mức đầu tư dự kiến lên tới 5,5 tỷ USD, đặt mục tiêu cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore và Malaysia.
Với vị trí chiến lược, cảng Cần Giờ không chỉ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm đáng kể chi phí logistics cho hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của ngành hàng hải Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình nâng tầm năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
>> Dự án siêu cảng biển lớn nhất miền Trung gần 50.000 tỷ có chuyển động mới
‘Chông gai’ của nền tảng cảng biển số Make in Viet Nam 
Dự án siêu cảng biển lớn nhất miền Trung gần 50.000 tỷ có chuyển động mới