Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế châu Âu có hy vọng “đủ sức” để tiếp tục cạnh tranh với Mỹ hay không?
Financial Times viết, sự kém hiệu quả của nền kinh tế châu Âu  từ lâu đã khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng. Nhưng giờ đây, vấn đề này đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ khi khoảng cách tăng trưởng với Mỹ thậm chí còn trở nên rộng hơn sau cú sốc kép về đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Châu Âu đang tụt lại so với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ
Số bằng sáng chế về công nghệ kỹ thuật số tiên tiến đẳng cấp quốc tế. Khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu đang ngày càng gia tăng |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước đã cảnh báo, châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa “sinh tử” từ suy thoái kinh tế, chủ nghĩa phi tự do gia tăng và cuộc xung đột ở biên giới phía Đông.
Trước những cú sốc này, GDP Mỹ đã tỏ ra kiên cường hơn và tăng 8,7% so với mức trước đại dịch vào quý đầu tiên của năm nay. Con số này cao hơn gấp đôi mức tăng 3,4% trong GDP của khu vực đồng Euro và thậm chí còn cao hơn mức tăng tương đương 1,7% của nền kinh tế Anh trong cùng thời kỳ.
Sự khác biệt xuyên Đại Tây Dương này đã trở nên gay gắt đến mức tạo ra sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu về chính sách tiền tệ. Với tốc độ tăng trưởng và lạm phát dự kiến ở Mỹ vẫn mạnh hơn ở châu Âu, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  sẽ cắt giảm lãi suất ít lần hơn trong năm nay so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Anh.
Sự kết hợp giữa chi phí năng lượng cao của châu Âu, hiện cao hơn nhiều so với ở Mỹ và các khoản trợ cấp hấp dẫn mà Washington đưa ra cho các dự án năng lượng xanh và chất bán dẫn được xây dựng ở nước này đang thu hút nhiều công ty châu Âu chuyển hoạt động sang đó.
Mario Draghi - cựu Thủ tướng Ý và cựu giám đốc ECB đã cảnh báo: “Nếu không có các hành động chính sách phối hợp và thiết kế mang tính chiến lược, thì việc một số ngành công nghiệp của chúng ta sẽ ngừng hoạt động hoặc di dời ra ngoài EU sẽ là điều tất yếu”.
Ngay cả người đứng đầu quỹ dầu mỏ Na Uy, một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, cũng nói rằng thật “đáng lo ngại” khi các công ty và công nhân Mỹ làm việc chăm chỉ, đầy tham vọng và ít bị quản lý hơn so với các công ty và công nhân ở châu Âu.
Đối mặt với dân số già đi và sự thiếu hụt các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ phát triển tốc độ nhanh, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang tìm cách tạo ra sự năng động cho nền kinh tế của họ.
Lực lượng lao động Mỹ dự kiến tăng trong khi ở châu Âu lại giảm |
Theo Financial Times, nền kinh tế châu Âu đã phát triển mạnh vào đầu những năm 1990. Nhưng kể từ đó, nền kinh tế tổng hợp của 27 quốc gia tạo nên EU ngày nay đã dần mất chỗ đứng vào tay Mỹ, bị ảnh hưởng bởi một loạt trở ngại, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu một thập kỷ trước.
Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột của Nga-Ukraine đều gây thiệt hại kinh tế cho châu Âu nhiều hơn Mỹ. Theo IMF, mức thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương ở châu Âu đã giảm xuống khoảng 1/3 so với mức ở Mỹ. Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ đã vượt qua tất cả các nền kinh tế tiên tiến lớn của EU. IMF dự báo rằng khoảng cách này sẽ chỉ ngày càng gia tăng trong thời gian còn lại của thập kỷ.
Một phần của vấn đề đối với châu Âu là tăng trưởng về cầu còn thấp, đầu tư yếu và tích trữ lao động - nơi các công ty giữ nhiều công nhân hơn mức cần thiết do lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc thuê lại khi nhu cầu phục hồi.
Một gánh nặng thêm cho nền kinh tế châu Âu bắt nguồn từ dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm - vốn đã tạo ra tình trạng thiếu lao động trên diện rộng khi bùng nổ dân số nghỉ hưu.
Isabel Schnabel - Thành viên Ban điều hành của ECB cho biết khu vực đồng tiền chung châu Âu đã mất khoảng 20% năng suất so với Mỹ kể từ giữa những năm 1990, nguyên nhân là do lục địa này “không thu được lợi ích từ sự phát triển công nghệ kỹ thuật số” như điện toán đám mây và các ứng dụng phần mềm.
Nguyên nhân nữa là do tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm chạp của châu Âu. Erik Nielsen, Cố vấn kinh tế tại ngân hàng UniCredit của Ý cho biết đầu tư vào Mỹ đã tăng hơn 8% kể từ cuối năm 2019 và vẫn tăng mạnh vào đầu năm nay, trong khi đầu tư ở khu vực Eurozone vẫn “yếu một cách rõ rệt” với mức thấp hơn 4% so với trước Covid.
Sự khác biệt vô cùng rõ ràng khi so sánh giữa các công ty lớn nhất. Cụ thể, các công ty giao dịch công khai lớn nhất ở châu Âu với doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD, bao gồm cả các công ty ở Anh, Na Uy và Thụy Sỹ, đã đầu tư ít hơn 400 tỷ USD so với các đối tác Mỹ vào năm 2022.
Khoảng cách đầu tư đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của 7 công ty được gọi là Magnificent Seven, gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla đã lên tới hơn 200 tỷ USD vào năm ngoái, bằng khoảng một nửa tổng chi tiêu tương đương của châu Âu cho tất cả các khu vực công và tư nhân.
Liệu châu Âu có lấy lại vị thế cạnh tranh?
Trong khi các Bộ trưởng ở EU đồng ý rằng việc tăng trưởng cần được củng cố, một số người đã đặt ra câu hỏi về quỹ đạo hiện tại của Mỹ sẽ bền vững đến mức nào.
Steven van Weyenberg - Bộ trưởng Tài chính Hà Lan cho biết: “Không tăng trưởng đột phá không phải là vấn đề mới đối với châu Âu và cũng không phải là vấn đề mới đối với Hà Lan”.
Hầu hết các nền kinh tế EU đã bắt đầu giảm thâm hụt ngân sách trước khi áp dụng lại các quy định tài chính ràng buộc trong năm nay. Nhưng chi tiêu của Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Xu hướng đó dự kiến sẽ tiếp tục, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Thâm hụt ngân sách dự kiến của Mỹ và Eurozone |
Năng suất của Mỹ đã được thúc đẩy nhờ tỷ lệ thất nghiệp tạm thời gia tăng sau khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, khiến người lao động chuyển sang các lĩnh vực mới và hiệu quả hơn sau khi hoạt động sản xuất phục hồi trở lại. Thay vào đó, châu Âu chọn cách bảo vệ việc làm bằng các chương trình cho nghỉ phép tạm thời quy mô lớn.
Các nhà kinh tế của ECB đã cho biết trong một báo cáo vào tuần trước rằng đã có những dấu hiệu về “những cơn gió yếu hơn” trên thị trường việc làm ở khu vực Châu Âu và “điều này sẽ hỗ trợ tăng năng suất” khi mức độ tuyển dụng giảm, tiền lương tiếp tục tăng và số giờ làm việc tăng.
Theo Financial Times, nền kinh tế Eurozone đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục sau tình trạng trì trệ gần đây với mức tăng trưởng hàng quý là 0,3% vào đầu năm nay. Nền kinh tế Anh thậm chí còn tăng trưởng với tốc độ hàng quý nhanh hơn là 0,6%, vượt qua mức tăng trưởng 0,4% của Mỹ trong giai đoạn này.
Một số nhà hoạch định chính sách tin rằng, nhiều vấn đề của khu vực có thể được khắc phục nếu có ít hơn những yếu tố tiêu cực tác động trong tương lai. “Với những cú sốc lớn mà chúng ta đã trải qua ở châu Âu, hiệu quả kinh tế không tệ như nhiều người lo ngại, vì vậy chúng ta nên ngừng tự hạ thấp mình”, Isabel Schnabel của ECB nhấn mạnh.
Hàng loạt công ty châu Âu 'vỡ mộng' vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm 
Thổ Nhĩ Kỹ chỉ trích Mỹ và châu Âu thiên vị với Israel