Siêu cường mạnh nhất châu Á: GDP đạt mục tiêu nhưng thị trường BĐS khủng hoảng, dân số tiếp tục giảm
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5% trong năm 2024, với sự phục hồi mạnh mẽ vào quý cuối năm nhờ vào hàng loạt các biện pháp kích thích.
Cụ thể, GDP quý IV của Trung Quốc  vượt kỳ vọng với mức tăng trưởng 5,4%, theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát chỉ dự báo mức tăng trưởng 5% trong quý cuối năm. Mức tăng trưởng này nhanh hơn so với 4,6% trong quý III, 4,7% trong quý II và 5,3% trong quý I.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc thấp hơn so với mức tăng 5,4% trong năm 2023 - năm đầu tiên sau đại dịch. Ngoài ra, Cục Thống kê Quốc gia vào cuối tháng 12 đã điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2023 lên 7,4%.
Cục Thống kê đã cảnh báo: "Chúng ta phải nhận thức được rằng các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài đang gia tăng, đồng thời nhu cầu trong nước vẫn còn thiếu hụt". Cơ quan này kêu gọi thực hiện "các chính sách vĩ mô chủ động và hiệu quả hơn".
Trong tháng 12, doanh số bán lẻ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo của Reuters là 3,5%. Sản lượng công nghiệp tăng 6,2% so với năm trước, cao hơn so với mức dự báo 5,4%.
Đầu tư tài sản cố định cả năm 2024 tăng 3,2%, thấp hơn mức tăng dự kiến 3,3% trong cuộc khảo sát của Reuters, khi đầu tư bất động sản giảm sâu với mức giảm 10,6% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tăng nhẹ lên 5,1% trong tháng 12 từ mức 5% của tháng trước. Thu nhập khả dụng của cư dân thành thị tăng 4,4%, trong khi thu nhập của cư dân nông thôn tăng 6,3% trong năm 2024.
Dân số cả nước đã giảm xuống còn 1,408 tỷ người vào năm 2024, giảm 1,39 triệu người so với năm 2023. Dân số năm 2023 thì giảm 2,08 triệu người so với năm trước.
Từ cuối tháng 9, các nhà chức trách Trung Quốc đã kêu gọi ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giảm lãi suất và công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trong 5 năm để giải quyết khủng hoảng tài chính của các chính quyền địa phương. Bắc Kinh cũng đã mở rộng chương trình hỗ trợ người tiêu dùng đổi xe cũ và đồ gia dụng cũ lấy mới với giá ưu đãi.
Các nhà lãnh đạo cấp cao đã cam kết thực hiện các biện pháp tài khóa "chủ động" và duy trì chính sách tiền tệ "tương đối nới lỏng" trong năm nay.
Một số nhà phân tích dự báo các biện pháp kích thích có thể bắt đầu phát huy tác dụng trong năm nay, nhưng sẽ mất thời gian để thấy được tác động đáng kể.
Sự suy giảm trong thị trường bất động sản và sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và niềm tin, làm gia tăng lo ngại về giảm phát .
Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức gần bằng 0, trong khi giá bán buôn giảm trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm thứ 27 liên tiếp, theo dữ liệu chính thức công bố vào tuần trước.
Dự kiến, Chính phủ sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2025 và các biện pháp kích thích bổ sung tại kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 3. Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 ở mức khoảng 5%, hoặc có thể thấp hơn một chút.
Dữ liệu công bố vào thứ 6, ngày 17/1, diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 1. Ông Trump cho biết ngay sau khi nhậm chức, ông dự định áp đặt mức thuế bổ sung ít nhất 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng đã bổ nhiệm một số nhân vật có lập trường cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt trong Nội các.
Theo CNBC
>> Lộ diện top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2025, nhiều đại diện châu Á góp mặt