‘Siêu dự án’ tổ hợp hóa dầu 5,4 tỷ USD sắp tái khởi động
Sau sự cố kỹ thuật trong quá trình chạy thử, dự án tổ hợp hóa dầu sẽ khởi động toàn bộ vào tháng 10/2024.
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận đạt 3.708 triệu Baht Thái (hơn 2.613 tỷ đồng), giảm 54% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản lỗ từ dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn là 2.199 triệu Baht Thái (hơn 1.549 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, SCG mang về 6.133 triệu Baht Thái lợi nhuận (hơn 4.322 tỷ đồng), giảm 75% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ khoản lỗ của dự án tổ hợp hóa dầu này là 4.814 triệu Baht Thái (bao gồm chi phí khấu hao và lãi vay), tương ứng với khoảng 3.392 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Tập đoàn SCG cho biết dự án  tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tái khởi động toàn bộ tổ hợp, chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 10 tới đây.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, dự án này đã gặp phải sự cố kỹ thuật bất ngờ trong quá trình chạy thử. Khu phức hợp đã tắt máy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 và tiến hành bảo trì, sửa đổi cũng như tăng cường tiêu chuẩn hoạt động và vận hành.
Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tái khởi động toàn bộ tổ hợp, chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 10/2024 |
Theo tìm hiểu, tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối. Dự án được đầu tư bởi Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP) – công ty con do SCG Chemical (SCGC) sở hữu 100% vốn điều lệ.
Dự án được đặt tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển). Khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa dùng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Trong năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu mang về 1,5 tỷ USD doanh thu từ dự án hóa dầu này.
Về phía chủ đầu tư, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh chính như xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và sản xuất bao bì.
SCG  bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992. Đến nay, Tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập với nhiều giao dịch lên đến vài trăm triệu USD. Đáng chú ý nhất là thương vụ thâu tóm Prime Group và loạt tên tuổi khác như Nhựa Bình Minh, Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hoà, Bao bì Tín Thành…
Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường nước ngoài đem lại doanh thu lớn nhất cho SCG với doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 là 23.733 triệu Baht (hơn 16.725 tỷ đồng).
>> Tổ hợp hoá dầu lớn nhất Việt Nam trị giá hơn 5 tỷ USD chính thức vận hành