Nếu trở thành hiện thực, ba rủi ro này có thể chấm dứt đợt tăng giá hiện tại của thị trường chứng khoán Mỹ và mở đường cho một chu kỳ giảm giá mới.
Theo Business Insider, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS  mới đây nhận định ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn có thể gây ra một đợt bán tháo mạnh vào cuối năm nay.
Ngân hàng nhấn mạnh một kịch bản đi xuống sẽ khiến chỉ số S&P 500 giảm 23% xuống còn 3.700 điểm, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức đáy được lập trong "thị trường con gấu" diễn ra vào tháng 10/2022.
Theo David Lefkowitz, Giám đốc đầu tư phụ trách chứng khoán Mỹ của UBS, có ba rủi ro có thể dẫn đến kịch bản giảm giá như vậy vào cuối năm nay.
Đầu tiên, ông dự báo Mỹ sẽ rơi vào một "cuộc suy thoái toàn diện" trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Trong khi nhiều nhà kinh tế đưa ra ý kiến rằng suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra trong năm nay, Lefkowitz nói rằng những tác động chậm trễ của làn sóng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  kết hợp với lượng tiền mặt của các hộ gia đình suy giảm có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Cụ thể, Fed đã tăng lãi suất 11 lần từ năm 2022 đến năm 2023 và có thể mất tới 12 tháng để tác động của những lần tăng đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Theo mốc thời gian đó, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy nền kinh tế Mỹ suy yếu từ nửa cuối năm 2024.
Một rủi ro khác đối với thị trường chứng khoán là nếu lạm phát tiếp tục nóng lên, đây sẽ là một sự thức tỉnh mạnh mẽ đối với nền kinh tế và người tiêu dùng. Nếu lạm phát  tiếp tục tăng cao, "Ngân hàng Trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa để giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến”, Lefkowitz nói. Điều đó sẽ gây ra nguy cơ lạm phát đình trệ và có thể dẫn đến vòng xoáy tiền lương - giá cả.
Rủi ro cuối cùng là sự gia tăng bất ổn địa chính trị. Gần đây thế giới chứng kiến một loạt xung đột như giữa Nga và Ukraine, Israel và Hamas, phiến quân Houthi và Mỹ, cũng như căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Nếu các điểm nóng địa chính trị vượt khỏi tầm kiểm soát, thị trường năng lượng sẽ bị phá vỡ và kéo thêm nhiều quốc gia vào tình trạng thù địch. Khả năng giá năng lượng tăng cao sẽ làm dấy lên lo ngại lạm phát, điều có thể ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo Lefkowitz, tổng hợp lại, ba rủi ro này có thể chấm dứt đợt tăng giá hiện tại của thị trường chứng khoán và mở đường cho một thị trường giá xuống mới.
>> CEO JPMorgan dự đoán 3 yếu tố sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Mỹ trong 2 năm tới 
Lộ diện quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, không phải Trung Quốc 
UBS: 6 thành phố toàn cầu có nguy cơ rơi vào bong bóng bất động sản cao nhất