Bất động sản

Số phận một công trình sân bay kỳ tích chưa kịp cất cánh, nằm sâu dưới lòng hồ nhân tạo đẹp nhất nhì miền Trung

Nguyễn Lữ 30/11/2024 09:30

Sân bay này nằm ở tỉnh miền Trung, là minh chứng cho thời kỳ mưa giông bão lửa trong kháng chiến.

Nếu không đến thăm hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh), ít ai biết, dưới lòng hồ là một di tích lịch sử đặc biệt là một tuyến đường và một sân bay dã chiến - công trình đại kỳ vĩ nhất lúc bấy giờ.

Tuyến đường chiến lược 22 được Bộ GTVT xây dựng cuối năm 1966 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường dài 65km, từ ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Dưới lòng hồ là chi chít những hố bom, vết tích của đường 22 và sân bay Li Bi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Dưới lòng hồ là chi chít những hố bom, vết tích của đường 22 và sân bay LiBi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Trong quá trình mở đường 22, nhận thấy hàng chục ha đất bằng phẳng nằm dưới chân núi, lực lượng quốc phòng thời đó chọn điểm này làm sân bay chi viện cho chiến trường miền Nam.

>> Bình Định thông báo hủy mời thầu, dự án xử lý chất thải 1.500 tỷ một lần nữa ‘lỡ hẹn’ nhà đầu tư

Lực lượng quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723 (còn gọi là sân bay dã chiến Libi - tên đặt theo một khe suối ở làng Đá Bạc, xã Cẩm Mỹ).

Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm được điều động vào Hà Tĩnh công trình để xây dựng sân bay. Đến khoảng cuối năm 1972, đầu năm 1973 sân bay cơ bản hoàn thành. Công trình này vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực nhưng chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom.

Tuyến đường 22 hiện ra rõ rệt khi xả hồ. Ảnh: Báo Dân trí
Tuyến đường 22 hiện ra rõ rệt khi xả hồ. Ảnh: Báo Dân trí

Hòa bình lập lại, năm 1976, Nhà nước triển khai xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Hồ Kẻ Gỗ có chiều dài lên đến gần 30km, diện tích lưu vực đạt 223km2 với diện tích lòng hồ hơn 30km2. Hồ có dung tích lưu trữ lên đến 345 triệu m3, bao gồm một đập chính và 3 đập phụ.

Đây cũng là công trình thủy nông kỳ vĩ nhất lúc bấy giờ, hàng nghìn người đã có mặt trên mảnh đất cằn cỗi để cùng nhau "phá đá, đào sỏi" xây dựng hồ Kẻ Gỗ.

Khi hồ Kẻ Gỗ hoàn thành và bắt đầu tích nước, mặt trận xưa cũng dần chìm vào lòng hồ. Tuy rằng chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh tại sân bay này song vẫn là dấu son cho một giai đoạn lịch sử quân ta chiến đấu khốc liệt với quân thù.

Hồ Kẻ Gỗ ngày nay. Ảnh: Báo Tiền Phong
Hồ Kẻ Gỗ ngày nay. Ảnh: Báo Tiền Phong

Mỗi khi mực nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp đến cạn đáy, giữa lòng hồ mới lộ ra sân bay Libi và đường 22 với chi chít những hố bom càng củng cố hơn về một lịch sử bi tráng dưới lòng hồ.

Hiện tại, hồ Kẻ Gỗ là một hồ nhân tạo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực mà còn trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách từ nhiều nơi với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Đến nơi này, du khách không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí trong lành, mát mẻ mà còn để tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử hào hùng một thời, đặc biệt là tuyến đường 22 và sân bay dã chiến Libi.

>> Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Đồng Hới

Liên danh Đèo Cả huy động 750 nhân sự và 200 thiết bị dồn lực thi công gói thầu 6.12 dự án sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành đón tin vui: Đóng điện thành công trạm biến áp 110kV, tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/so-phan-mot-cong-trinh-san-bay-ky-tich-chua-kip-cat-canh-nam-sau-duoi-long-ho-nhan-tao-dep-nhat-nhi-mien-trung-262864.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Số phận một công trình sân bay kỳ tích chưa kịp cất cánh, nằm sâu dưới lòng hồ nhân tạo đẹp nhất nhì miền Trung
    POWERED BY ONECMS & INTECH