Trong báo cáo định kỳ tháng 8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ năm 2022. Theo đó, thị trường vàng đen chưa thể khởi sắc như kỳ vọng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn chậm.
Thị trường khí đốt thế giới bất ổn
Triển vọng lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang có sự phụ thuộc lớn vào triển vọng giá năng lượng. Vì vậy, biến động gần đây trên thị trường khí đốt tự nhiên đang gây ra mối lo ngại lớn về sức khoẻ kinh tế thế giới.
Giá khí đốt bị đẩy lên cao do hiện tượng thời tiết khô nóng hoành hành ở Mỹ và châu Âu làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng điều hoà không khí.
Tại Mỹ, một “cường quốc” khí đốt của thế giới, giá nhiên liệu này đang còn “mềm” hơn nhiều so với ở châu Âu nhưng cũng đang tăng nhanh. Tính đến thời điểm ngày 22/8, giá khí đốt ở Mỹ đạt mức cao nhất 14 năm.
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần.
Ngoài ra, các nước châu Âu cũng đang chạy đua làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần, trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm xuống mức thấp.
Châu Âu đang lo sợ rằng Nga sẽ cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt trong khu vực trong mùa đông này để trả đũa các biện pháp trừng phạt đã áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine.
Nhu cầu năng lượng tăng cao và nguồn cung hạn chế cũng đang đẩy giá khí đốt leo thang đối với khách mua ở khu vực châu Á.
Các nước châu Á giờ đây đối mặt với một “cuộc chiến” tranh mua khí đốt hoá lỏng (LNG) với các nước châu Âu, mà phần thắng thuộc về người trả giá cao hơn.
Khi hoá đơn năng lượng ngày càng “khủng”, người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ buộc phải cắt giảm nhu cầu đối với các hàng hoá và dịch vụ khác. Cùng với đó, chi phí đầu vào gia tăng đặt ra sức ép lớn lên doanh nghiệp.
Các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát được giá năng lượng và chỉ có cách tăng lãi suất để chống lại làn sóng lạm phát mỗi lúc một dâng cao, cho dù việc tăng lãi suất mạnh tay có thể “hạ gục” tăng trưởng kinh tế bất kỳ lúc nào.
Giá khí đốt tại châu Âu đạt ngưỡng cao kỉ lục gây nên sự bất ổn kinh tế
Tâm điểm sự chú ý tại châu Âu tuần này là giá khí đốt tại khu vực này vừa chạm ngưỡng cao kỷ lục từ trước đến nay.
Giá khí đốt hợp đồng tương lai trên thị trường Hà Lan đã có thời điểm vượt ngưỡng 290 Euro/1000 kilowatt giờ, tương đương khoảng 2,2 USD/1 mét khối, trước khi quay đầu giảm nhẹ về cuối phiên.
Chỉ trong 1 tháng qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp đôi, trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu lục này, mà mới nhất là việc tuyên bố sẽ tạm dừng đường ống dòng chảy phương Bắc 1 để bảo trì vào cuối tháng 8 tới đây.
Trước mắt, việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không gây ra tác động quá lớn, nhất là khi Nga đã giảm cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất từ cuối tháng 7.
Tuy nhiên động thái này cho thấy 2 rủi ro. Một là Nga có thể tuyên bố không thể mở đường ống trở lại sau đó, vì một 'vấn đề kỹ thuật' chỉ có thể được giải quyết bằng cách phương Tây dỡ trừng phạt và hai là Nga sau đó có thể cũng khoá các đường ống khác dẫn khí đốt sang châu Âu.
Khó khăn đối với các nước châu Âu vào lúc này chính là sự khan hiếm khí đốt đã dẫn tới giá khí đốt tăng chóng mặt từng ngày.
Giá năng lượng leo thang gây áp lực lớn lên ngân sách của các hộ gia đình, đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và nền kinh tế khu vực ngấp nghé bờ vực suy thoái.
Giá khí đốt tăng cao hơn và nguồn cung ngày càng khan hiếm hơn sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của các nền kinh tế châu Âu.
Nhất là trong bối cảnh mùa đông sắp tới, nhiều chuyên gia còn cảnh báo, các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ không có đủ khí đốt để dùng trong mùa đông năm nay, nếu Nga tiếp tục giảm cung cấp khí đốt trong thời gian tới.
Kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái giữa năm 2023